Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sân chơi của công ty tôm giống
18 | 09 | 2011
Nhu cầu giống nuôi, thức ăn, thuốc thủy sản cho con tôm thẻ chân trắng đang thúc giục doanh nghiệp chen nhau kinh doanh lĩnh vực này. Và “sân chơi” đang chủ yếu dành cho công ty nước ngoài.

Tạo sự “quyến rũ”

Dẫn đầu phong trào này là 3 công ty vốn nước ngoài (CP, Việt - Úc và Uni) với ưu thế về nguồn vốn. Và các “đại gia” này không ngừng “tấn công” mãnh liệt vào người nuôi bằng nhiều chiêu quảng bá. Sức “quyến rũ” về TTCT được nâng lên 1 bậc, nhất là thời điểm con tôm sú như một chu kỳ tự nhiên đã chuốc lấy thất bại liên tiếp khi ào ào chết hàng loạt tại nhiều tỉnh ven biển ĐBSCL.

Ông Triệu Nghĩ - người nuôi TTCT ở xã Vĩnh Trạch Đông, TP.Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu), tâm sự: “Khi con tôm sú thất bại đồng loạt tại nhiều địa phương, cũng như bao nông dân khác, tôi như đứng trước ngã 3 đường. Chưa biết nên chọn đối tượng nào để nuôi”. Và với các chiêu quảng bá của các nhà cung cấp giống, thức ăn, thuốc thủy sản, con TTCT ngay tức khắc được một số nông dân lựa chọn.

Ông Nguyễn Phương ở huyện Bình Đại (Bến Tre) còn cho biết: Các công ty lớn có đại lý tại Bến Tre, Bạc Liêu, Sóc Trăng đã tìm tới cho con giống TTCT để nuôi thử theo mô hình. Thế là không ít hộ vào cuộc chơi với “con bài” TTCT.

Vài “đại gia” hưởng lợi!

Ông Quách Khoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt - Úc, cho biết: Thị phần cung ứng con giống TTCT của công ty gia tăng theo thời gian. Từ hơn 6 tỷ con/năm vào 2008, đã vươn lên gần 20 tỷ con giống hồi năm 2010. Và năm nay con số này còn cao hơn nữa.

Công ty Giống Thuỷ sản Uni-President Việt Nam (Đài Loan) cũng nhanh chóng mở rộng thị trường con giống, dồn sức chiếm lĩnh thị trường miền Trung với cả chục tỷ con giống/năm. Và 1 “đại gia” xem ra có phần bề thế hơn, đó là Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (Thái Lan), năng lực cung ứng giống TTCT mạnh nhất khi hệ thống mở rộng và vươn xa đến tận các tỉnh ở bán đảo Cà Mau.

Ông Nguyễn Văn Tranh - Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau, nhận định: Sinh sản nhân tạo TTCT rất khó vì nguồn tôm bố mẹ hoàn toàn nhập từ ngoài nước (thường ở Mỹ hoặc Thái Lan). Bởi thế, 3 công ty trên có điều kiện trang bị kỹ thuật hiện đại, nhập tôm bố mẹ đưa vào sản xuất khối lượng tôm giống khổng lồ cung cho thị trường, vậy mà vẫn chưa đủ sức.

Thao túng giá

Tại thời điểm này, con giống sạch bệnh, chất lượng cao của 3 “đại gia” trên “hét giá” từ 65 - 100 đồng/con mà vẫn không đủ giao cho khách hàng.

Không để các công ty nước ngoài làm mưa, làm gió về giống TTCT, mấy chục công ty trong nước cũng đã rục rịch nhập tôm bố mẹ về sản xuất. Bà Nguyễn Kim Sa - Giám đốc Công ty Tôm giống Kim Sa, cho biết: “Từ đây đến cuối năm 2011, chúng tôi cho ra đời 3 tỷ con giống TTCT chất lượng cao, phục vụ người nuôi tôm ở Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau”.

Nông dân Trần Văn Tánh (xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau), cho biết: “Với 8 ao nuôi, mỗi vụ tôi cần gần 4 triệu tôm giống. Công ty Việt - Úc đã bán với giá 83-90 đồng/con”. Còn ông Danh Thuấn (ở xã Lai Hòa, huyện Vĩnh Châu, Sóc Trăng) mua giống từ CP cũng ở mức 85-95 đồng/con. Từ đó, cho thấy giá tôm giống TTCT khá cao, thậm chí muốn cao hơn giá tôm sú giống (khoảng 60-80 đồng/con).

Bên cạnh con giống, chủng loại thức ăn, thuốc thủy sản cũng làm điên đầu nhà nông. Chuyên gia Phạm Giang Nam (Đại học Bạc Liêu), cho biết: Đa phần, nguồn cung ứng thức ăn, thuốc thủy sản tập trung vào các công ty lớn nước ngoài (Inland Thái Lan, Grobest Group, Tomboy (Pháp), CP (Thái Lan), Biomin, Tongwei feed (Trung Quốc), Uni-President (Đài Loan)… Chiết khấu đại lý từ 20-50% tính trên doanh số bán, và phí này sẽ tính vào giá thành sản phẩm để bán cho nông dân. Chưa hết, mọi chi phí khác, thậm chí chiết khấu dài dài qua nhiều tầng nấc, cuối cùng người chịu gánh nặng giá cao, không ai khác chính là nông dân.

Tôm thẻ chân trắng “chia rẽ” châu Á

Tổng sản lượng TTCT hiện chiếm tới 2/3 tôm nuôi toàn thế giới, trong đó, tại khu vực châu Á đang xuất hiện 2 xu hướng: Nuôi tràn lan và nuôi dè dặt, cách ly loại sinh vật ngoại lai này.

Ở Thái Lan, TTCT chiếm 90% tổng sản lượng tôm của nước này. Thái Lan cũng được ghi nhận là nước đi tiên phong và hiện là một trong những nước sản xuất TTCT lớn nhất trên thế giới.

Ở giai đoạn đầu, Thái Lan cũng phải đối mặt với những thách thức như dịch bệnh và các nguy cơ xâm hại môi trường sống do loại tôm này gây ra. Tuy nhiên, về sau, Thái Lan đã phải đầu tư nghiên cứu và tìm ra các giải pháp về chính sách, quy hoạch và nghiên cứu các công nghệ để khôi phục và phát triển nghề nuôi. Trong đó, đáng chú ý là những biện pháp quy hoạch, thay vì tập trung tăng diện tích nuôi trồng như thường thấy.

Thái Lan đã chuyển dần những vùng nuôi từ khu rừng ngập mặn sang các khu vực thuận lợi để phát triển nuôi tôm. Ngoài ra, cũng khống chế diện tích nuôi không quá 76.000ha, các trại nuôi tôm phải có giấy phép và đăng ký của chính quyền địa phương, cặn hay bùn đáy ao phải được lưu giữ trong khu vực thích hợp và không được thải ra bên ngoài.

Đặc biệt, để tránh lây nhiễm tràn lan, các trại nuôi lớn hơn 8ha phải có khu xử lý nước thải không nhỏ hơn 10% diện tích nuôi, nguồn nước mặn không được thải ra khu vực nguồn nước ngọt và khu vực canh tác nông nghiệp và quan trắc môi trường trong các vùng nuôi và vùng ven biển… Nhờ vào những biện pháp tối ưu nói trên, Thái Lan đã thành công trong việc nuôi TTCT và nay đã bước sang vụ mùa thứ 7 với doanh thu bình quân hơn 2 tỷ USD/năm.

Cùng với Thái Lan, những nước có điều kiện tự nhiên thuận lợi sự phát triển của con tôm trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Ấn Độ cũng đang phát triển nuôi TTCT. Tuy nhiên, tại Ấn Độ, Philippines, Malaysia, việc nuôi TTCT vẫn đang hết sức dè dặt, thậm chí tại Philippines đã có lệnh cấm đối với việc nhân giống và nuôi loại tôm này. Mới đây, tổ hợp ngành tôm Philippines (Philshrimp) cũng đã kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm này để nhằm nâng cao sản lượng tôm của nước này.

Theo Vũ Khánh, Hạ Anh

Dân Việt


Báo cáo phân tích thị trường