Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Lúa gạo: Khi giá cao, nông dân không còn hàng
29 | 09 | 2011
“Chính sách mua lúa của Thái Lan chắc chắc sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam sẽ bán được gạo với giá cao hơn, nhưng nông dân có bán lúa được giá cao hay không lại là một vấn đề khác”, tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúa ĐBSCL nhận định trước khi Thái Lan bắt đầu thực hiện chính sách mua lúa gạo giá cao cho nông dân nước này.

Dù giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL đã sôi động trở lại thời gian gần đây nhưng theo khảo sát của người viết, hiện lúa hàng hóa được nông dân trữ lại còn rất ít, phần lớn lúa gạo hàng hóa đã được các thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu thu gom và trữ  kho.

Lúa gạo lại tiến về mức đỉnh

Trong những ngày cuối tháng 9, đầu tháng 10 này – sát ngày Thái Lan thực hiện cam kết mua lúa trong dân với giá 15.000 baht/tấn (ngày 7/10), giá lúa tại các tỉnh ĐBSCL đã sôi động trở lại, với mức tăng từ 150-200 đồng/kg (tùy loại). Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm lúa hàng hóa trong dân đã cạn, bởi nông dân đã tranh thủ bán khi giá lúa trong nước tuột nhanh vào đầu tháng 9.

Anh Nguyễn Thành Hơn, thương lái mua lúa tại xã Mỹ Hạnh Đông, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết, lúa IR 50404 tươi hiện được cánh thương lái trực tiếp thu mua trong dân với giá 5.800-5.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; IR 50404 khô cũng tăng 150 đồng/kg lên mức giá 6.800-6.850 đồng/kg.

So với mức giá được sát lập vào đầu tuần, hiện giá lúa đã tăng 100 đồng/kg, nếu so với mức giá đỉnh được sát lập trước đó, giá lúa hiện chỉ thấp hơn từ 50-100 đồng/kg.

Những ngày cuối tuần này, các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 4900, OM 1490, OM 5451, Jasmines… tại các tỉnh ĐBSCL tiếp tục tăng nhẹ từ 50-100 đồng/kg, lên mức giá 7.000-7.600 đồng/kg (tùy loại và địa phương).

Gạo nguyên liệu và thành phẩm tại chợ đầu mối gạo Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang và Trung tâm nông sản xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, Tiền Giang tiếp tục tăng 100-150 đồng/kg so với mức giá những ngày đầu tuần. Gạo nguyên nguyên liệu chế biến gạo nguyên liệu 5% tấm có giá 9.300-9.400 đồng/kg; gạo nguyên liệu chế biến gạo 25% tấm tăng 50 đồng/kg lên mức giá 9.100-9.150 đồng/kg.

Gạo thành phẩm cũng tiếp tục tăng 100-150 đồng/kg, lên mức giá 11.150 - 11.200 đồng/kg đối với gạo 5% tấm; gạo 15% tấm tăng lên mức giá 10.700 - 10.800 đồng/kg; 25% tấm là 10.150 - 10.200 đồng/kg.

Bà Nguyễn Thị Ánh, giám đốc doanh nghiệp kinh doanh lương thực Tấn Tài III ở Tiền Giang cho biết: “Giá lúa gạo nội địa tăng mạnh trở lại một phần là do tác động từ chính sách mua lúa với giá 15.000 baht/tấn của Thái Lan, một phần do lúa hàng hóa trong dân đã hết”.

Ai hưởng lợi từ chính sách mua lúa giá cao của Thái?

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, tính đến cuối tháng 9, Việt Nam đã ký hợp đồng xuất khẩu được 6,8 triệu tấn, trong đó, đã giao được gần 5,7 triệu tấn, trị giá trên 2,7 tỉ đô la Mỹ. Riêng trong tháng 9, tính đến ngày 22/9 cả nước đã xuất khẩu được trên 350.000 tấn.rái

“Chính phủ Thái Lan cam kết mua lúa trong dân với giá 15.000 baht/tấn từ ngày 7/10 tới, chắc chắn sẽ giúp giá gạo xuất khẩu của các nước trong khu vực, trong đó, có Việt Nam sẽ tăng lên”- tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng viện lúa ĐBSCL nhận định.

Thực tế, dù chưa đến ngày Thái Lan thực hiện cam kết này nhưng giá xuất khẩu gạo của các nước trong khu vực đã tăng lên. Cụ thể, giá chào xuất khẩu loại gạo 100% B của Thái Lan hiện ở mức 620-660 đô la/tấn, tăng so với mức giá 595 đô la/tấn cách đây 1 tuần.

Giá chào xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng từ mức 545-550 đô la Mỹ/tấn lên 560-570 đô la Mỹ/tấn (giá FOB). Nhiều chuyên gia dự báo giá sẽ còn tăng tiếp trong những ngày tới.

Theo ông Bảnh, với tác động của chính sách mua lúa của Thái Lan sẽ có lợi cho doanh nghiệp Việt Nam gần như là chắc chắn nhưng nông dân bán được lúa giá cao hay không thì còn là một vấn đề lớn, phụ thuộc vào việc nông dân có quyền định đoạt giá lúa trên thị trường hay không?

Phó giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Long An (đề nghị không nêu tên) cho rằng ngành lúa gạo của Việt Nam trước giờ là ngành hàng mang hơi hướng độc quyền, các nhà xuất khẩu thông qua tổ chức của mình là Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) để ấn định giá sàn xuất khẩu từ giá sàn xuất khẩu, quy đổi ra giá mua lúa trong nông dân, có nghĩa nông dân dù muốn bán giá cao cũng khó có thể thực hiện”.

“Chính sách của Thái Lan chỉ có thể giúp cho doanh nghiệp xuất khẩu được lợi mà thôi, bởi lượng gạo bây giờ đã nằm trọn trong kho của các doanh nghiệp xuất khẩu hết rồi. Giá lúa tăng nông dân cũng đâu còn lúa nữa đâu mà bán”, bà Nguyễn Thị Ánh thì khẳng định một thực tế khác.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường