Vẫn ở ngoài cuộc
Trong khi các ngân hàng lớn như BIDV, Techcombank… công bố dành hàng chục nghìn tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất hạ chỉ còn 17,5 -19%/năm thì các ngân hàng nhỏ không hề “kém cạnh” cũng đưa ra nhiều gói tín dụng cho vay với lãi suất “mềm” đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu mặc cho cuộc cạnh tranh huy động vốn đang hồi khó khăn do lãi suất huy động bị quản chặt. Phải nói sau những chỉ đạo của NHNN nhằm kéo lãi suất cho vay xuống thì các NHTM đã hưởng ứng rất “rầm rộ” với nhiều chương trình hấp dẫn.
Tuy nhiên, sáng 14.9, cầm trên tay bộ hồ sơ xin vay vốn của doanh nghiệp sản xuất gạch Blok đóng trên địa bàn Sơn Tây (Hà Nội) muốn vay vốn của Ngân hàng VP bank, đại diện doanh nghiệp cho biết: Dù là đã có thông tin “mở cửa” nguồn vốn với lãi suất ưu đãi nhưng để thuộc diện được vay ưu đãi thì doanh nghiệp vẫn rất khó. “Ngân hàng thẩm định, ngân hàng cho vay và ngân hàng có nhiều lý do để gạt phăng nhu cầu của doanh nghiệp” - vị đại diện doanh nghiệp này cho biết.
Ông Mạc Văn Nam - Phó Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng dịch vụ Đại Lợi cho biết: “Nhiều ngân hàng nói hạ lãi suất nhưng chúng tôi chưa vay được vì ngân hàng còn phải xem xét để doanh nghiệp trả được các khoản vay cũ. Hiện chúng tôi vẫn đang phải vay vốn với lãi suất lên tới 24%, nhưng tôi biết nhiều doanh nghiệp khác đã phải vay với lãi suất cao hơn”.
Còn ông Bùi Văn Tiến - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tiến thẳng thắn cho rằng, dù lãi suất các ngân hàng cam kết hạ nhưng nhiều doanh nghiệp như ông cũng không hào hứng, bởi hạ nhưng với lãi suất 18-19% vẫn bị doanh nghiệp cho là "ngất ngưởng", nên doanh nghiệp nào không cân đối nổi buộc phải vay mới đi vay còn lại doanh nghiệp đều hạn chế vay. Lãi suất vay trước đây chỉ 11-12% thì chúng tôi còn dám vay, chứ như hiện nay thì không doanh nghiệp nào làm ăn có lãi để vay nổi.
Ông Tiến cũng cho rằng, tâm lý của nhiều doanh nghiệp hiện nay là "không biết nên kiến nghị thế nào về lãi suất nữa", nhưng rõ ràng lãi suất cần phải hạ thấp nữa mới có thể có nhiều doanh nghiệp hy vọng vay để vực dậy sản xuất, kinh doanh.
Mức 15% mới hợp lý
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thanh long Hoàng Hậu cho biết, chúng tôi có nghe nói là các ngân hàng hạ lãi suất cho doanh nghiệp vay vốn, song hiện chúng tôi vẫn chưa được vay vốn ngân hàng với lãi suất thấp như vậy bởi còn nhiều rào cản về thủ tục.
Rõ ràng, một trong những mục tiêu của việc hạ lãi suất cho vay là để đưa vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nhằm giúp hạ nhiệt lạm phát. Tuy nhiên, giữa việc mong muốn đến thực tế để dòng vốn chảy đúng địa chỉ lại là chuyện không đơn giản.
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm lo ngại: Khi nguồn vốn được coi là “giá rẻ” so với mặt bằng chung này vẫn chưa hấp dẫn các doanh nghiệp bởi 17,5 -19% vẫn là quá cao thì cần có biện pháp quyết liệt để hạ thì mới đến tay doanh nghiệp.
Bởi trong khi lãi suất huy động đầu vào được khống chế nghiêm ngặt 14%, mà lãi suất đầu ra vẫn cao như vậy thì khoảng cách lợi nhuận dành cho các ngân hàng vẫn còn “lớn”. “Doanh nghiệp chỉ có thể chịu được với mức lãi suất khoảng 15 - 16%” trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay” - nhiều chuyên gia đồng tình.
Bổ sung 15.000 tỷ đồng vay nông nghiệp: Agribank vừa quyết định bổ sung 15.000 tỷ đồng cho các chi nhánh trên toàn quốc để đầu tư cho vay phục vụ nông nghiệp nông thôn. Theo đó, 15.000 tỷ đồng mới bổ sung sẽ được sử dụng để cho vay thu mua chế biến lương thực, thủy sản, cà phê xuất khẩu, cho vay chi phí sản xuất mùa vụ, chăn nuôi gia súc, gia cầm... giúp hộ sản xuất và các doanh nghiệp tiếp tục có vốn đầu tư để phát triển sản xuất.
Theo Nông thôn ngày nay