Cụ thể, đối tượng được bảo hiểm là cây lúa tại các tỉnh Nam Định, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Thuận, An Giang, Đồng Tháp; trâu, bò, lợn, gia cầm tại Bắc Ninh, Nghệ An, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Thanh Hoá, Bình Định, Bình Dương và Hà Nội; nuôi trồng thuỷ sản cá tra, cá basa, tôm sú, tôm chân trắng tại Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau.
Quy mô và địa bàn sản xuất thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp gồm: Đối với cây lúa nước, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, quy mô bảo hiểm toàn huyện đối với các vùng chuyên sản xuất lúa nước; đối với vật nuôi và thủy sản, mỗi tỉnh chọn 3 huyện, mỗi huyện chọn 3 xã để thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp.
Về rủi ro được bảo hiểm và thẩm quyền công bố thiên tai, dịch bệnh, bao gồm: Thiên tai như bão lũ, lụt, hạn hán, rét đậm, rét hại, sương giá và các rủi ro thiên tai khác. Dịch bệnh gồm: Dịch cúm; dịch tai xanh; bệnh lở mồm, long móng, bệnh thuỷ sản, dịch rầy nâu, vàng lùn - lùn xoắn lá và các loại dịch bệnh khác. Chủ tịch UBND cấp tỉnh ra quyết định công bố và xác nhận loại thiên tai, dịch bệnh xảy ra tại địa phương.
Bộ Tài chính cũng đã có quyết định cho các Công ty Bảo Việt, Bảo Minh thực hiện thí điểm Bảo hiểm nông nghiệp. Theo Bộ Tài chính, đây là sản phẩm bảo hiểm theo cơ chế thỏa thuận, người nông dân, các tổ chức sản xuất nông nghiệp tự nguyện tham gia bảo hiểm, đóng phí bảo hiểm và được bồi thường tổn thất khi xảy ra rủi ro thiên tai, dịch bệnh theo quy tắc bảo hiểm được cấp có thẩm quyền (Bộ Tài chính) phê chuẩn.
Nhà nước có chính sách hỗ trợ phí bảo hiểm cho nông dân, theo đó khuyến khích nông dân tham gia bảo hiểm, đây là yếu tố quan trọng tạo sự thành công cho hoạt động bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện kinh doanh theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm, không vì mục tiêu lợi nhuận.
Bộ Tài chính cũng khẳng định: Việc thí điểm bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện mới chỉ mang tính chất khôi phục cuộc sống tối thiểu chứ chưa phải giúp nông dân khôi phục và bù đắp chi phí sản xuất nông nghiệp.
Theo Nông thôn ngày nay