Xuất khẩu rau quả sang thị trường EU 7 tháng đầu năm 2011 đạt 46,3 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ 2010. Ước tính cả năm 2011 có thể đạt 79 triệu USD, tăng 14% so với năm 2010.
Nhu cầu tiêu thụ
EU là thị trường tiêu thụ rau quả lớn. Mức tiêu dùng rau quả tại EU từ năm 2004 đến năm 2008 tăng trung bình 3,5%/năm.Tuy nhiên, con số trên đã thay đổi từ năm 2008 trở lại đây. Lượng rau, quả tiêu thụ ngày một tăng tại EU nhằm bảo vệ, tăng cường sức khỏe của người dân. Đây là yếu tố tiềm năng để tăng nhu cầu nhập khẩu hoa quả từ các nước nhiệt đới vào EU.
Nhu cầu của thị trường dựa trên quy mô, tốc độ tăng trưởng và lượng nhập khẩu. Theo đánh giá của CBI (Trung tâm Xúc tiến nhập khẩu sang EU từ các nước đang phát triển) gần đây đã đưa ra thứ tự xếp hạng các nước nhập khẩu rau quả tiềm năng nhất tại EU:
- Pháp: Mặc dù sức tiêu thụ, sản lượng và nhập khẩu tại Pháp nhìn chung đang giảm xuống, nhưng nhập khẩu từ các nước đang phát triển lại tăng (+7,5% hàng năm). Ngoài ra, Pháp còn là nhà nhập khẩu lớn nhất từ các nước đang phát triển (32%) tính cho tới thời điểm này là 45% tổng lượng nhập khẩu của toàn nước Pháp. Dự báo trong những năm tới các nước cung cấp rau quả giá rẻ sẽ trở thành nguồn cung cấp lớn tại thị trường Pháp.
- Anh: Quy mô và sự phát triển tích cực chính là động lực thu hút các nhà cung cấp từ các nước đang phát triển quan tâm tới thị trường này. Mức tiêu thụ và nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng nhanh hơn so với mức nhập khẩu tổng thể. Theo ước tính, hiện tại kim ngạch nhập khẩu từ các nước đang phát triển hiện chiếm 15% trong tổng nhập khẩu của cả nước.
- Hà Lan: Nhập khẩu của Hà Lan tăng với tốc độ +7,8%/năm trong đó nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng +8,1% và ở mức cao hơn so với mức bình quân tại EU. Hà Lan chiếm 12% tổng lượng nhập khẩu của EU từ các nước đang phát triển và theo số liệu chính thức, các nước đang phát triển cung cấp 24% trên tổng khối lượng nhập khẩu của Hà Lan.
- Tây Ban Nha: Mặc dù thị trường này đang bị chịu nhiều sức ép song nó vẫn là thị trường chủ chốt tại EU. Nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng hơi chậm (+7,2%/năm) so với tổng nhập khẩu (+9,5%). Tuy nhiên, thị trường Tây Ban Nha ngày càng mở cửa và nhập khẩu từ các nước đang phát triển dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.
- Bungari: thành viên mới nhưng lại phát triển khá nhanh. Nhập khẩu từ các nước đang phát triển hiện đang chiếm tới 87% tổng nhập khẩu và dự kiến sẽ còn tăng trong những năm tới.
Cơ hội xuất khẩu
EU là thị trường nhập khẩu rau quả truyền thống của Việt Nam trong những năm qua. Kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong năm 2009 đạt 53,7 triệu USD; năm 2010 đạt 69,3 triệu USD, tăng 29% so với năm 2009. Trong 7 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu rau quả sang thị trường EU đạt 46,3 triệu USD và cả năm có thể đạt 79 triệu USD.
Có khá nhiều chủng loại rau quả xuất khẩu sang EU trong những năm qua, trong đó trái cây vẫn là nhóm mặt hàng đạt kim ngạch cao nhất. Số liệu thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu trái cây sang EU trong 7 tháng đầu năm 2011 đạt 19,1 triệu USD, tăng 66,8% so với cùng kỳ 2010.
Xu hướng nhập khẩu rau quả chế biến đóng hộp trong 7 tháng đầu năm 2011 đang giảm dần do nhu cầu giảm, chỉ đạt 12,2 triệu USD, giảm 6,2% so với cùng kỳ 2010.
Nhập khẩu rau các loại cũng giảm nhẹ, đạt 6,9 triệu USD, giảm 26,5%. Tuy nhiên, nhập khẩu các loại củ tươi như gừng, hành, khoai, tỏi… lại tăng rất mạnh, đạt 4 triệu USD, tăng 100,4%
Xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan giảm nhẹ, trong khi Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và áo tăng rất mạnh: Trong khối EU, xuất khẩu rau quả sang thị trường Hà Lan luôn đạt kim ngạch cao nhất vì đây là thị trường chính trong tiêu dùng và phân phối các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và rau hoa quả nói riêng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường này lại giảm nhẹ trong 7 tháng đầu năm 2011, đạt 18,6 triệu USD, giảm 3,3%
Xuất khẩu rau quả sang Tây Ban Nha đạt 1 triệu USD, tăng 222,6%. Bồ Đào Nha đạt 700 nghìn USD, tăng 332,6% và Áo đạt 227,7 nghìn USD, tăng 202,6%. Sản phẩm rau quả xuất khẩu sang Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chủ yếu là rau quả chế biến như cơm dừa sấy khô, nấm rơm muối, nước trái cây ép. Trong khi đó, xuất khẩu sang Áo đa dạng hơn với nhiều loại rau quả tươi như đu đủ, hồng xiêm, chôm chôm, na, cải thảo, ớt tươi…
Cơ hội cho các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả Việt Nam
Sản lượng rau quả của EU trong vài năm trở lại đây có xu hướng giảm dần tại hầu hết các nước sản xuất lớn như Tây Ban Nha, Đức... Nguyên nhân một phần là do bị ảnh hưởng bởi điều kiện thời tiết xấu trong các mùa vụ. Mặt khác, xu hướng tiêu dùng các loại rau quả nhiệt đới đang tăng lên trong khi điều kiện thời tiết tại các nước EU không phù hợp để trồng các loại trái cây nhiệt đới là cơ hội đối với các nhà cung cấp từ các quốc gia sản xuất rau quả nhiệt đới, trong đó có Việt Nam.
Trong giai đoạn từ năm 2004 – 2009, nhập khẩu rau quả của EU tăng trưởng ở mức 1,8%/năm. Nhập khẩu từ các nước đang phát triển tăng nhanh hơn (3,8%/năm). Khi mà giá là mối quan tâm hàng đầu tại các thị trường rau quả thì các nước đang phát triển sẽ có lợi thế cạnh tranh lớn hơn so với các nước khác trên thế giới.
Dịch khuẩn E.Coli trên dưa chuột bùng phát hồi đầu năm khiến cho một số nước trong khu vực Châu Âu vốn tiêu thụ mạnh sản phẩm này như Anh, Pháp, Bỉ, Hy Lạp…phải chuyển hướng nhập khẩu từ các nước ngoài khu vực Châu Âu.
Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và khủng hoảng nợ công đang diễn ra tại Châu Âu khiến cho người tiêu dùng khu vực này phải thắt chặt chi tiêu. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm rau quả giá rẻ và đa dạng về chủng loại đang là lựa chọn của người tiêu dùng khu vực này.
Theo rauhoaquavietnam.vn