Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Diễn biến trầm lắng trên thị trường gạo thế giới
05 | 10 | 2011
Thị trường gạo thế giới trầm lắng trước thời điểm Thái Lan bắt đầu chương trình thu mua gạo. Indonesia - Ấn Độ chưa đưa ra quyết định cụ thể về chương trình gạo – dầu cọ.

Giá gạo trên thị trường thế giới đang mất định hướng do người mua lưỡng lự đặt hàng giao sau khi thị trường gạo chưa định hình khuynh hướng tương lai. Hầu hết người mua trên thị trường, bất kể là chính phủ hay các doanh nghiệp tư nhân, trên toàn cầu đang chờ những diễn biến mới trên các thị trường tài chính. Một số người mua lo ngại về việc giá có thể giảm, một số khác lo ngại về vấn đề tỷ giá. Hầu hết người bán cũng đang trong tâm lý lo lắng do đã tích trữ một lượng lớn gạo và chờ đợi nhưng giá không tăng như kỳ vọng.

Chỉ 1 – 2 tháng trước, diễn biến trên thị trường khá khác biệt. Chính phủ Thái trong thời gian đó đang hướng đến vị thế người chi phối giá thị trường gạo, rút thanh khoản gạo khỏi thị trường và đẩy giá tăng cao 50%. Việt Nam được dự đoán sẽ cùng với Thái Lan, tạo nên một cartel ngành gạo, cùng hợp tác nâng giá gạo trên thị trường thế giới. Gạo Nhật Bản trong cùng thời kỳ có kết quả dương tính với nhiễm xạ. Phái đoàn Trung Quốc đàm phán với Mỹ về vấn đề thu mua gạo. Giá gạo tương lai trên thị trường Chicago leo cao do sản lượng gạo hạt dài tại Mỹ giảm mạnh, bị thổi phồng bởi các phương tiện truyền thông.

Tuy nhiên, đến nay, thị trường đang trong tình trạng hết sức trầm lắng. Ấn Độ gia nhập thị trường, bổ sung thêm vài triệu tấn gạo vào tổng cung tạo trên thị trường thế giới. Các nhà chức trách Việt Nam gặp những người đồng nhiệm Thái Lan nhưng từ chỗi việc nâng giá gạo, và thay vào đó, giữ vững mục tiêu xuất khẩu gạo trong năm 2011. Trong khi đó, những nhà xay xát và xuất khẩu gạo Thái Lan đang nắm giữ hàng triệu tấn gạo từ vụ cũ. Campuchia cũng đánh tiếng về nguồn gạo rẻ mà họ có thể cung cáp cho thị trường và Myanmar cho biết họ sẽ xuất khẩu ít nhất 1 tấn gạo trong năm nay. Trung Quốc đang xem xét việc quay trở lại thị trường gạo nếu giá gạo lên đến mức 700 USD/tấn. Trong khi đó, Nhật Bản cho biết nước này quyết tâm không nhập khẩu thêm gạo. Bangladesh, Philippines và Indonesia đang cân nhắc về vấn đề giảm nhập khẩu gạo.

Điểm bất lợi với thị trường gạo là diễn biến tồi tệ trên một số thị trường tài chính và giá ngũ cốc có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực.

Bất chấp việc Thái Lan có thể mất vài triệu tấn gạo vì lũ lụt, thị trường vẫn không có phản ứng trước thông tin trên. Những cơn bão mạnh, liên tiếp cũng gây thiệt hại khoảng nửa triệu tấn gạo tại Philippines. Vào ngày thứ 6 tới, chính phủ Thái Lan sẽ bắt đầu thu mua với giá khoảng 480 USD/tấn lúa. Bất chấp những yếu tố đẩy giá lên trong thời điểm này, các nhà xuất khẩu Thái Lan không tăng giá chào so với mức giá trong 1 – 2 tháng gần đây.

Tuy nhiên, trừ khi chương trình thu mua gạo của chính phủ Thái Lan thất bại, thị trường gạo toàn cầu có thể sẽ có những chuyển biến mới trong tương lai gần. Trong vài tháng tới, khi Thái Lan rút khỏi thị trường, Ấn Độ và Việt Nam rời mốc đỉnh sản lượng xuất khẩu, lượng dự trữ gạo tại Mỹ Latin giảm và những vấn đề về thời tiết có thể đẩy Philippines, Indonesia quay trở lại thị trường sớm, giá xuất khẩu gạo có thể sẽ tăng trở lại.

Đồng thời, một nhà kinh tế tại World Bank bày tỏ chương trình thu mua gạo của Thái Lan có thể hủy hoại uy tín của nhà xuất khẩu này trên thị trường thế giới. Và Thái Lan có thể sẽ mất khách hàng do các nhà nhập khẩu sẽ đa dạng nguồn nhập khẩu từ các nước khác.

Trong khi đó, Ấn Độ và Indonesia đang gặp gỡ để bàn về chương trình dầu cọ - gạo. Tuy vậy, chưa có quyết định cụ thể được đưa ra do nguồn hàng xuất khẩu từ hai nước vẫn rất dồi dào.

Kim Dung AGROINFO

Theo Oryza


Báo cáo phân tích thị trường