Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Đủ gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa
05 | 10 | 2011
So với cuối tháng 9, giá lúa khô tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long lại tăng thêm 400 – 500 đồng lên mức 7.000 – 7.100 đồng/kg; gạo nguyên liệu lên 9.400 đồng. Theo hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), lượng gạo trong nước đáp ứng đủ mục tiêu xuất khẩu 7 triệu tấn gạo cũng như cho tiêu thụ nội địa.

Một số thương lái thông tin doanh nghiệp đang cần mua nhiều gạo nguyên liệu, nhưng hiện nay lúa hè thu còn rất ít trong dân, trong khi lúa thu đông (vụ ba) mới thu hoạch lác đác ở một vài địa phương.

Đủ gạo xuất khẩu và tiêu thụ nội địa

Ông Phạm Văn Bảy, phó chủ tịch VFA cũng nhận định: giá lúa gạo tăng do đây đang là thời điểm giáp hạt (cuối vụ hè thu, đầu vụ thu đông), hàng hoá không còn nhiều nhưng thị trường xuất khẩu và tiêu thụ nội địa lại có nhu cầu. Theo ông Bảy, từ khoảng giữa tháng 10 trở đi, các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới thu hoạch rộ lúa vụ ba, khi đó nguồn cung dồi dào, thị trường sẽ hình thành mặt bằng giá mới ít biến động hơn.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực lúa gạo, từ nay đến cuối năm, giá gạo nội địa chịu ảnh hưởng từ diễn biến thời tiết như mưa bão, lũ lụt ở các tỉnh miền Tây, miền Trung, miền Bắc và những tác động tăng giá từ bên ngoài. Nổi lên câu hỏi liệu mùa vụ sản xuất trong ba tháng còn lại của năm có đáp ứng đủ nguồn cung xuất khẩu, tránh gây sốt giá trên thị trường nội địa? Theo ông Bảy, dựa trên số hợp đồng đã ký, trong tổng số 6,8 triệu tấn gạo phải giao, có 5,8 triệu tấn đã thực hiện trong chín tháng qua, số còn lại sẽ thực hiện trong quý 4. Hiện tại, doanh nghiệp còn tồn kho gần 1,5 triệu tấn. Ông Bảy cho rằng, căn cứ vào số liệu tồn kho hiện có, cộng với sản lượng lúa vụ ba, vụ mùa sắp tới thì chắc chắn đủ gạo xuất khẩu, cho tiêu thụ nội địa và đảm bảo tồn kho sang quý 1 năm sau.

Ông Bảy nói: “Vừa qua, nước lũ gây ngập úng một số diện tích lúa vụ ba ở các tỉnh miền Tây, nhưng thống kê thì chưa gây thiệt hại gì lớn. Đối với các tỉnh miền Bắc cũng vậy. Đến bây giờ bộ Nông nghiệp vẫn giữ nguyên nhận định sản lượng lúa cả nước năm nay đạt 41,5 triệu tấn”.

Mặc dù loại bỏ yếu tố rủi ro nguồn cung, nhưng ông Bảy lại thừa nhận rất khó dự đoán giá lúa gạo nội địa sẽ đi theo hướng nào khi Thái Lan bắt đầu mua lúa giá cao cho nông dân từ ngày 7.10 tới đây. Theo nhận định của các chuyên gia, khi chính sách này áp dụng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm của Thái Lan sẽ tăng lên 800 USD/tấn từ mức 630 USD như hiện nay, khiến cho giá gạo thế giới tăng.

“Thời gian tới giá gạo xuất khẩu có thể lên, nếu trong nước sốt giá doanh nghiệp sẽ mở kho tung hàng ra bán bình ổn ở mức giá thấp hơn thị trường 15%. Chúng tôi cam kết đủ gạo can thiệp thị trường khi có biến động”, ông Bảy khẳng định.

Giá càng tăng, bỏ hợp đồng càng nhiều

Chín tháng qua, nông dân bán lúa được giá trung bình 6.140 đồng/kg, riêng vụ hè thu nếu trừ chi phí đầu vào 3.760 đồng/kg thì lợi nhuận là hơn 80%, theo tính toán của VFA. Tuy nhiên, với đơn vị cung ứng nguyên liệu, doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu thì lợi nhuận thu được lại không tỷ lệ thuận với việc giá tăng mà ngược lại. Theo VFA, do không tính toán hết biến động giá từ thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, ký hợp đồng khi chưa có chân hàng tồn kho nên năm nay doanh nghiệp có lợi nhuận rất thấp, một bộ phận thua lỗ, có trường hợp không có khả năng giao hàng, phải huỷ hợp đồng, chấp nhận để khách hàng phạt.

Nhắc đến vấn đề huỷ hợp đồng, giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở Đồng Tháp cho biết, doanh nghiệp này vừa bị khách hàng Hàn Quốc phạt 150.000 USD. Ông này (xin được giấu tên) nói rằng, lô hàng 5.000 tấn gạo 5% tấm bán cho khách hàng Hàn Quốc hồi tháng 8.2011 với giá 530 USD/tấn. Vì không có nguồn tồn kho nên đến cuối tháng 9 giao hàng công ty mới tổ chức thu mua, lúc này giá thành gạo đã lên trên 550 USD nên đành chấp nhận huỷ hợp đồng, chịu phạt. Còn theo VFA, dự kiến trong tháng 10 này sẽ có thêm 120.000 tấn gạo hợp đồng thương mại bị huỷ hoặc hết hạn giao hàng; trước đó trong quý 3 cũng đã có 400.000 tấn bị doanh nghiệp xuất khẩu đơn phương huỷ hợp đồng. “Đến nay chưa có trường hợp nào thông báo xảy ra tranh chấp kiện tụng do huỷ hợp đồng. Chủ yếu hai bên giải quyết bằng hoà giải”, ông Bảy cho hay.

Dự báo thị trường xuất khẩu gạo quý 4 vẫn khá sáng sủa do nhu cầu nhập khẩu của các nước còn lớn và Việt Nam là một trong số các nước có nguồn cung, giá cả cạnh tranh nhất để các nước lựa chọn. Với diễn biến này, có thể khẳng định không chỉ trong quý 4 năm nay, mà thị trường xuất khẩu gạo sẽ tốt đến hết quý 2 năm sau. Trước mắt, theo VFA, việc điều hành xuất khẩu gạo từ nay đến cuối năm vẫn diễn ra bình thường, nếu còn gạo thì doanh nghiệp vẫn có thể đăng ký xuất khẩu vượt kế hoạch 7 triệu tấn. Tuy nhiên, với nhận định thời gian tới giá gạo chắc chắn sẽ có nhiều biến động, VFA khuyến cáo doanh nghiệp cần thận trọng, chỉ ký hợp đồng khi trong kho có sẵn 100% chân hàng để tránh tình trạng thua lỗ như thời gian qua.

Theo SGTT



Báo cáo phân tích thị trường