Khi các nhà giao dịch nhận được tin về khả năng Việt Nam – Indonesia có khả năng sẽ ký hợp đồng giao thương với lượng 700 ngàn tấn gạo, nguy cơ các nhà giao dịch tăng cường thu mua, có thể đẩy giá gạo nội địa lên cao, làm dấy lên nỗi lo ngại về tình hình lạm phát. Các nhà chức trách Việt Nam đã chính thức lên tiếng bác bỏ về thương vụ này.
Trong khi đó, một số nhà xay xát gạo vẫn chào giá bán ở mức 670 – 680 USD/tấn, tuy nhiên với mức giá này, gạo chào bán từ Thái Lan không còn là giá tham chiếu trên thị trường. Giá tham chiếu gạo Thái 100% B chào bán ở mức 600 – 610 USD/tấn nhưng không có người mua.
Ngay trong thời điểm Thái Lan bắt đầu chương trình thu mua gạo, những tranh cãi xung quanh ảnh hưởng của lũ lụt đến giá gạo nổ ra. Các nhà chức trách tại Bộ Thương mại Thái Lan vừa điều chỉnh giảm dự đoán sản lượng gạo của Thái Lan từ 25 triệu tấn xuống 21 triệu tấn do ảnh hưởng của lũ lụt. Trong khi đó, Thư ký thường trực về nông nghiệp lại cho biết sản lượng gạo tại Thái Lan có thể đạt 30 triệu tấn do sản lượng gạo vụ 2 có thể bù đắp sản lượng bị thiệt hại do lũ lụt. Những trận lũ tại nước này trong thời gian vừa qua rất nghiêm trọng. Thủ tướng Thái Lan đã phải lên sóng truyền hình thông báo về tình hình lũ lụt khẩn cấp tại quốc gia này và đưa ra lời cảnh báo lũ lụt có thể còn đe dọa đến thủ đô Bangkok.
Ngày 7/10, Thái Lan chính thức bước vào chương trình thu mua lúa gạo với giá khoảng 480 USD/tấn. Một số nông dân trồng lúa than phiền rằng họ không còn gạo để giao vào kho của chính phủ do tình trạng lũ lụt nghiêm trọng. Trong khi đó, một số nông dân trồng lúa nhỏ lo lắng về việc làm thế nào có thể xay xát và vận chuyển đến kho công khi lũ lụt có thể ảnh hưởng đến các nhà máy xay xát, cũng như các khu vực trồng lúa. Khi chương trình bắt đầu, chỉ một số ít nông dân vận chuyển gạo đến các kho dự trữ gạo công. Khi chính phủ Thái Lan kết thúc đợt thu mua, dự kiến lên đến 10 – 25 triệu tấn gạo vụ mới thì gạo vụ cũ vẫn còn nhiều trong các kho dự trữ công.
Tin tức mới nhất trên thị trường là về Philippines, một quốc gia châu Á khác cũng bị ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng bão lũ trong tuần qua. Thư ký chính phủ nước này cho biết chính phủ Philippines sẽ quyết định về lượng và thời điểm nhập khẩu gạo vào tháng 11. Hiện các nhà chức trách nước này khẳng định nước này vẫn đủ gạo và không nhập khẩu gạo cho đến năm 2012. Đồng thời, các nhà chức trách Philippines cũng đưa ra khả năng nhập khẩu nhiều hơn 500 ngàn tấn trong năm tới.
Trong khi các nhà giao dịch Thái Lan hầu như đang đứng ngoài thị trường, các nhà giao dịch Việt Nam cũng lặng lẽ rút khỏi thị trường. Vụ lúa hè thu đã kết thúc và nông dân Việt Nam đã thu hoạch xong, bước vào gieo trồng vụ thu đông tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Giá gạo giao dịch nội địa tại khu vực này ở mức khoảng 318 -331 USD/tấn, tùy thuộc vào chất lượng gạo. Tính đến nay, chính phủ Việt Nam đã cấp phép xuất khẩu cho 125 cơ sở. Các nhà xuất khẩu gạo được cấp phép đang nhanh chóng củng cố các cơ sở trữ gạo và cải tạo thiết bị xay xát.
Một số nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ đã bắt đầu quay trở lại thị trường sau kỳ nghỉ lễ, một số khác sẽ kéo dài kỳ nghỉ lễ đến tuần tới. Hoạt động xuất khẩu từ Ấn Độ gần đây trầm lắng mặc dù các nhà xuất khẩu nước này nhận định xuất khẩu gạo Ấn Độ có thể hưởng lợi nhờ chương trình thu mua gạo giá cao của Thái Lan và lũ lụt hoành hành khắp châu Á.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan thương mại quốc tế nước này quản lý tất cả các hoạt động nhập khẩu, sẽ đứng ra chịu trách nhiệm tất cả các hợp đồng nhập khẩu gạo đã đặt 50.134 ngàn tấn gạo, trong đó 40.281tấn gạo từ Trung Quốc và 10.033 tấn còn lại nhập từ Úc.
Tại châu Âu, các nhà nhập khẩu gạo bày tỏ lo ngại về chương trình thu mua gạo của Thái Lan. Một nhà chức trách trong phái đoàn của Thái Lan sang thăm Pháp và Thụy Sĩ cho biết các nhà nhập khẩu gạo châu Âu cho rằng giá gạo cao sẽ phá hủy khả năng cạnh tranh của gạo Thái so với các nhà cung cấp khác.
Kim Dung AGROINFO
Theo Oryza