Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cục chăn nuôi: Thịt giảm giá chỉ mang tính thời điểm
09 | 10 | 2011
Sau khi giá thịt gia súc, gia cầm tăng kỷ lục vào khoảng tháng 6 và tháng 7, đến thời điểm hiện nay, giá thịt hơi các loại đã đồng loạt lao dốc, giảm xuống khoảng hơn 20% so với thời kỳ đỉnh điểm.

Chính nguyên nhân này đã khiến bà con nông dân không còn mặn mà với việc tái đàn. Theo nhận định của nhiều chuyên gia, điều này sẽ ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới.

Bên lề hội thảo tổng kết chương trình chung hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và các cơ quan Liên Hợp quốc về phòng chống dịch cúm gia cầm động lực cao, diễn ra trong ngày 7-10 tại Hà Nội, Thời báo kinh tế Sài Gòn Online đã có cuộc trao đổi ngắn với tiến sĩ Nguyễn Thanh Sơn, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) xung quanh tình trạng bỏ đàn của người nông dân gần đây.

- TBKTSG Online: Thưa ông, sau một thời gian tái đàn chúng ta đã có một số lượng gia súc, gia cầm rất lớn cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, gần đây đã có hiện tượng dư thừa dẫn đến giá bán giảm thảm hại. Và theo phản ánh của các phương tiện truyền thông thời gian qua thì người dân đang lỗ rất nặng, ông có đánh giá gì về vấn đề này?

Ông Nguyễn Thanh Sơn: Giá sản phẩm nông nghiệp nói chung và chăn nuôi nói riêng lên xuống theo cung cầu là điều diễn ra thường xuyên. Chúng tôi ghi nhận là từ tháng 6 đến tháng 7 năm nay, lúc bấy giờ do nguồn cung thiếu hụt lớn dẫn tới giá các loại thịt đạt mức kỷ lục từ trước tới nay. Tức chưa bao giờ giá thịt heo hơi lại lên 68.000 đến 70.000 đồng/kg và giá gà lên mức trên 50.000 đồng/kg thịt hơi. Tuy nhiên, với sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong thời gian qua, chăn nuôi đã hồi phục, nguồn cung cũng cải thiện dẫn đến hiện tượng giá thực phẩm có xu hướng giảm trong một tháng trở lại đây.

Theo tôi có ba nguyên nhân chính dẫn đến giá thịt giảm trong thời điểm này: Thứ nhất là do chăn nuôi đã được thúc đẩy, khiến nguồn cung đồi dào, không còn thiếu hụt như những tháng trước, tăng khoảng 15-18% so với thời điểm tháng 6, tháng 7.

Thứ hai, giá thịt giảm một phần cũng là do một khối lượng lớn thịt đông lạnh được nhập khẩu trong thời gian qua. Tính riêng trong tháng 8, lượng thịt nhập về đạt 12.000 tấn, trong khi các tháng đầu năm chỉ khoảng 3.000 - 4.000 tấn.

Thứ ba là do ảnh hưởng lũ lụt ở ĐBSCL cũng như ở miền Trung nên bà con phải bán chạy sản phẩm dẫn tới giá xuống.

Tuy nhiên, sự xuống giá như vậy theo chúng tôi chỉ mang tính thời điểm.

Thứ nhất do nguồn cung tăng nhưng cũng chưa thể vượt cầu.

Thứ hai, chỉ còn vài tháng nữa là đến Tết mà nhu cầu về thực phẩm trong dịp Tết sẽ tăng lên khoảng 15-20%, xu thế tăng giá trong những tháng dịp tết là điều tất yếu theo chu kỳ hàng năm.

Thứ ba là lứa sản phẩm về heo và gà vừa rồi là lứa khi giá cao bà con bắt đầu vào chuồng ồ ạt và sau đó đồng loạt bán ra khiến giá xuống. Nhưng sau lứa này, giá thịt sẽ có xu hướng nhích lên.

Chính vì vậy, chúng tôi khuyến cáo bà con là vào thời điểm này không nên dừng tái đàn mà tiếp tục nuôi để chúng ta có đủ thực phẩm đón tết.

Ngoài ra, giá heo giống và gà đã xuống so với thời điểm tháng 7 và tháng 8, giảm khoảng 20%. Hơn nữa, thời điểm này chúng ta xuất khẩu sang Trung Quốc rất nhiều, trung bình mỗi ngày xuất khoảng 1.000 con sang Trung Quốc, chứng tỏ đầu ra vẫn tốt và nhu cầu vẫn cao.

- Hiện nay một số hộ chăn nuôi có ý kiến cho rằng nhà nước đã can thiệp làm giá xuống hơi quá tay. Ông nhận định thế nào?

Trong thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ NN&PTNT đã phối hợp với Bộ Công Thương áp dụng các giải pháp tăng nguồn cung lương thực, thực phẩm, nhưng cũng không đến mức làm cho nguồn cung tăng vượt cầu. Như bà con đã biết, để tăng một lứa heo ít nhất cần 4 tháng và lứa gà ít nhất cũng mất 50 ngày, với thời gian đó mà nhận định sự can thiệp của Chính phủ làm giá giảm là điều không chính xác.

Ngoài yếu tố làm giá giảm như tôi đã nêu trên thì còn do tâm lý và sự chi phối của thương lái. Họ thường đánh vào tâm lý của người chăn nuôi. Khi thấy nguồn cung thiếu hụt thì họ tranh thủ đi vơ vét hàng và khi nguồn cung tăng thì họ tung ra tin như cung đang vượt cầu để ép giá của người nông dân. Nên bà con cần lưu ý điều này.

- Ông nhận định như thế nào về việc chỉ trong một vài tháng trở lại đây thôi thì báo chí và người dân cho rằng công tác hỗ trợ tái đàn của nhà nước cho người dân thực hiện rất chậm nhưng đến thời điểm này đã xảy ra tình trạng dư thừa về số lượng. Ông có nghĩ rằng đã có những cảnh báo của bộ chưa chính xác không?

Chúng tôi đã có nhận định ngay từ cuối tháng 7 là giá thịt heo và thịt gia cầm sẽ giảm mà trên thực tế chúng ta thấy rằng trong tháng 9, tháng 10 này thịt đã giảm khoảng 20-25% so với thời điểm cao nhất.

Trong giai đoạn đầu, việc tái đàn gặp rất nhiều khó khăn do bà con thiếu vốn và giống tại một số vùng, đặc biệt là vùng đồng bằng sông Hồng. Chính vì vậy mà Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các bộ ngành và Bộ Tài chính xây dựng chính sách để bà con nông dân tái đàn và hỗ trợ về vaccine phòng chống dịch bệnh.

Đó là những biện pháp góp phần thúc đẩy tăng nguồn cung trong thời gian qua. Tuy nhiên, sự gia tăng đó không đến mức như báo chí nhận định làm cho giá tụt xuống một cách thê thảm.

Thực ra, cho tới thời điểm này theo nhận định của chúng tôi giá bán thịt heo hơi 49.000-52.000 đồng/kg thì vẫn có lời bởi vì giá thành hiện nay đối với một kg heo hơi nuôi trong một trang trại vào khoảng 43.000-44.000 đồng.

Còn giá thịt gà thì nếu bán ở trang trại giá thành cũng cỡ 30.000-32.000 đồng/kg tùy theo từng loại gà trong khi với mức giá bán là 32.000-33.000 đồng thì chỉ hòa, cũng chưa đến mức lỗ.

- Xin cảm ơn ông!

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường