Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Quốc tế cam kết hỗ trợ Việt Nam 4,45 tỷ USD cho bảo vệ môi trường
15 | 09 | 2007
Chiều 18/1, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên Môi trường (TNMT) và Ngân hàng Thế giới (WB) đã tổ chức Phiên họp toàn thể Nhóm hỗ trợ quốc tế về tài nguyên và môi trường (ISGE) 2007 với chủ đề “Hội nhập và vấn đề bảo vệ môi trường tại Việt Nam.” Bộ trưởng Mai Ái Trực và Giám đốc WB Klaus Rohland cùng chủ trì Phiên họp.

Phiên họp này là buổi đối thoại chính sách trực tiếp giữa Bộ TNMT với cộng đồng tài trợ, các tổ chức trong nước, quốc tế và các doanh nghiệp về các vấn đề: Cam kết về bảo vệ môi trường của Việt Nam trong hội nhập; Hỗ trợ quốc tế về bảo vệ môi trường tại Việt Nam; và Bảo vệ môi trường - thách thức và cơ hội của các doanh nghiệp.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Mai Ái Trực, Phiên họp toàn thể ISGE 2007 là diễn đàn cởi mở để trao đổi thông tin, kinh nghiệm và đề xuất những ý tưởng quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong giai đoạn phát triển mới của Việt Nam.

Trong phiên họp, đại diện của các Bộ Công nghiệp, Thủy sản, Xây dựng và Tài chính cùng các tổ chức môi trường quốc tế đã có tham luận đóng góp về vấn đề bảo vệ môi trường Việt Nam.

Trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, như được tiếp nhận công nghệ kỹ năng quản lý môi trường tiên tiến, thúc đẩy các doanh nghiệp của Việt Nam áp dụng công nghệ thân thiện với môi trường…

Tuy nhiên, vấn đề quản lý đất đai, khoáng sản và nguy cơ ô nhiễm môi trường là những lĩnh vực hàng đầu mà Việt Nam phải lưu ý khi gia nhập WTO. Trong điều kiện hệ thống pháp luật bảo vệ môi trường vẫn đang hoàn thiện thì sự gia tăng các hoạt động giao lưu kinh tế ngày càng rộng đặt Việt Nam trước nguy cơ biến thành “bãi thải” cho hàng hóa không thân thiện với môi trường. Vấn đề quản lý và sử dụng tài nguyên đất, khoáng sản một cách hiệu quả vẫn là một bài toán khó. Khi mở cửa thị trường dịch vụ môi trường, các cơ quan cấp phép đầu tư cũng như các địa phương của Việt Nam cần phải có biện pháp bảo đảm rằng công nghệ mà các nhà đầu tư trong nước và quốc tế áp dụng tại Việt Nam là công nghệ sạch.

Ông Klause Rohland đề xuất các cơ quan cấp phép đầu tư của Việt Nam nên đưa yêu cầu về công nghệ sạch vào tiêu chí cho phép đầu tư ngay từ đầu. Đồng thời, Việt Nam nên khuyến khích các doanh nghiệp có cơ chế kinh doanh hợp lý trên cơ sở phát triển bền vững, phạt thật nặng những doanh nghiệp vi phạm các tiêu chuẩn môi trường, kết hợp với nỗ lực cải cách hành chính công của Chính phủ.

Được biết, Nhóm hỗ trợ quốc tế đã cam kết tài trợ 4,45 tỷ USD cho các dự án, chương trình bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế bền vững tại Việt Nam.



Theo Website Chính phủ
Báo cáo phân tích thị trường