Uy tín của các công ty hoạt động trong lĩnh vực cao su sụt giảm vì hàng bị rút ruột khiến việc xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Cắn răng bồi thường
Hiệp hội Cao su VN (VRA) cho biết từ đầu năm đến nay đã xảy ra hàng chục vụ mất trộm hàng trong container. Thống kê của VRA đã có hơn 40 tấn cao su xuất khẩu của các doanh nghiệp “không cánh mà bay”, với số tiền bồi thường lên đến gần 5 tỷ đồng. Con số này chưa đầy đủ và thực tế còn cao hơn nhiều lần so với thống kê mà VRA có được. Tuy nhiên vì sợ ảnh hưởng đến uy tín nên các doanh nghiệp không báo cáo lên cơ quan chức năng.
Ông T.Đ - chủ một doanh nghiệp, cho biết khi tiến hành kiểm định lần cuối để đóng kẹp chì tại cảng xuất (Tân Cảng, TP.HCM), lô hàng cao su vẫn còn nguyên vẹn. Nhưng khi kiểm định, mở kẹp chì tại cảng đến (Pennang, Malaysia), container gần như trống không.
“Chúng tôi vừa mất hàng, vừa bồi thường hợp đồng, thiệt hại vật chất bị nhân đôi. Đáng nói hơn, đối tác nước ngoài mất lòng tin nên không ký những đơn hàng tiếp theo” - ông T.Đ buồn bã nói.
Bà Trần Thị Thúy Hoa - Tổng Thư ký VRA cho hay, các container bị mất hàng nhưng niêm chì vẫn còn nguyên vẹn, sự việc chỉ bị phát hiện khi đối tác nước ngoài mở ra. Chính điều này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải một mình bồi thường hợp đồng mà không có sự hỗ trợ dù đã mua bảo hiểm hàng hóa.
“Phần lớn các doanh nghiệp đang mua bảo hiểm cho container, khi container hàng vẫn còn nguyên kẹp chì thì dù có mất hàng cũng không thể buộc bảo hiểm hỗ trợ. Cần phải thay đổi bằng cách mua bảo hiểm cho hàng hóa để được hỗ trợ lúc rủi ro” - bà Hoa nhấn mạnh.
Chờ cơ quan chức năng
Theo bà Hoa việc mua bảo hiểm chỉ là cách làm thụ động để hạn chế rủi ro nhưng không thể không thực hiện. VRA đã khuyến cáo hội viên hoặc khách hàng cần mua bảo hiểm hàng xuất, thuê giám định độc lập kiểm định ở hai đầu cảng xuất - nhập để được đền bù khi mất mát và có chứng cứ điều tra lộ trình làm mất hàng.
Ông Trần M - chủ doanh nghiệp cao su ở Bình Dương cho hay: Để tăng cường an ninh cho hàng hóa của mình, các công ty xuất khẩu cao su cũng đều lắp đặt hệ thống định vị toàn cầu (GPS) cho các xe vận chuyển hàng từ kho ra bến cảng. Tuy nhiên biện pháp này vẫn không thể hạn chế nạn trộm cắp bởi các đối tượng hoạt động hết sức tinh vi. “Không loại trừ hàng bị mất tại cảng trong thời gian chờ được bốc lên tàu đi nước ngoài”-ông M bày tỏ.
Phần lớn các doanh nghiệp đang mua bảo hiểm cho container, khi container hàng vẫn còn nguyên kẹp chì thì dù có mất hàng cũng không thể buộc bảo hiểm hỗ trợ. Cần phải thay đổi bằng cách mua bảo hiểm cho hàng hóa để được hỗ trợ lúc rủi ro.
Bà Trần Thị Thúy Hoa
Đại diện của VRA cho rằng việc quan trọng và cần thiết nhất lúc này là sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Những vụ việc trong thời gian qua mà VRA có thông tin đã được trình báo đến công an.
“VRA đã đề nghị an ninh Tân Cảng (TP.HCM) - nơi xuất phát của phần lớn số hàng bị mất, tăng cường tuần tra, kiểm soát để tránh bị bọn xấu đột nhập, trộm cắp trong cảng. Quan trọng nhất là công an phải điều tra, làm rõ đường dây tội phạm này đưa ra xử lý trước pháp luật để răn đe, làm gương cho những kẻ khác”- bà Hoa cho biết.
“Số hàng hóa bị mất đều theo đường chính ngạch, nếu các doanh nghiệp nản chí và xuất theo đường tiểu ngạch thì Nhà nước mất một khoản thuế không nhỏ” - ông Nguyễn Thái Học - Chủ tịch Hiệp hội Điều VN nhận định.
Theo Dân Việt