Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành Điều nắm thời cơ, vượt thách thức để phát triển
15 | 07 | 2007
Cây điều (đào lộn hột) bắt đầu được biết đến như một loại cây trồng có giá trị kinh tế ở nước ta mới chỉ trong vòng 20 năm nay. Ðặc biệt, trong sáu năm qua kể từ khi có Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đề án phát triển điều đến năm 2010, ngành sản xuất điều đã phát triển mạnh mẽ cả về diện tích, năng suất, sản lượng điều thô, nhân điều và kim ngạch xuất khẩu.
Năm 1975 Việt Nam mới có 500 ha điều, năm 1995 có 190.300 ha và năm 2005 đã đạt 433.000 ha (tăng hơn 800 lần so với năm 1975); năng suất đạt 1,06 tấn/ha (tăng hai lần so với giai đoạn 1995-2000); sản lượng hạt điều đạt 350.000 tấn. Năm 1988, Việt Nam xuất ra thị trường thế giới 33 tấn nhân điều. Ðến năm 2005 nước ta đã có hơn 200 nhà máy chế biến với tổng công suất khoảng 600.000 tấn hạt điều nguyên liệu/năm, xuất khẩu được 110.000 tấn nhân điều thô, giá trị kim ngạch là 500 triệu USD, đứng hàng thứ hai trên thế giới về nhân điều thô xuất khẩu.

Thị trường xuất khẩu chủ lực của nhân điều Việt Nam là Mỹ (42%), Trung Quốc (17%), EU (20%), Australia, Canada v.v. và đang được tiếp tục mở rộng. Nhiều nhà nhập khẩu của EU, Mỹ đã đánh giá chất lượng nhân điều Việt Nam thơm, ngon hàng đầu thế giới. Ngoài sản phẩm chính là nhân điều, nước ta đã có mười cơ sở chế biến dầu điều từ vỏ hạt điều với sản lượng 15.000 tấn/năm. Như vậy, so với tất cả những chỉ tiêu chính trong Quyết định 120 đề ra cho ngành điều đến năm 2010 thì kết quả đã có đến năm 2005 đều vượt. Ðây là bước phát triển đột biến của ngành sản xuất điều Việt Nam. Hai năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nhân điều đứng thứ tư sau gạo, cao-su, cà-phê và cũng là mặt hàng có lợi thế cạnh tranh cao trên thị trường thế giới. Ngành sản xuất điều đã tạo việc làm và thu nhập tương đối ổn định cho 500.000 lao động, trong đó 300.000 lao động thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, xuất khẩu và 200.000 hộ nông dân trồng điều.

Cây điều dễ trồng, vốn đầu tư thấp, tính chịu hạn cao vừa có giá trị thực phẩm, vừa sản xuất được dầu điều, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Phát triển diện tích điều ở những vùng có điều kiện, kết hợp cải tạo, thâm canh vườn điều hiện có với trồng mới, giải quyết việc làm. Ðó là những hướng rất phù hợp điều kiện phát triển của nước ta.

Cây điều trồng được ở bốn vùng sinh thái nông nghiệp: Ðông Nam Bộ, Tây Nguyên, duyên hải Trung Bộ và đồng bằng sông Cửu Long; trong đó riêng diện tích điều ở Ðông Nam Bộ chiếm 70% diện tích điều toàn quốc. Cây điều trồng được trên ba nhóm đất chính là: đất đỏ vàng (76%), đất xám (20%) và đất cát biển (4%). Từ sau năm 1999, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho phép trồng khu vực hóa mười giống điều như PN1, LG1, MH4/5, MH5/4 v.v. được nhân giống bằng phương pháp ghép, cho năng suất 2-3 tấn/ha ở nhiều tỉnh của Ðông Nam Bộ. Hàng chục giống điều mới khác có năng suất, chất lượng cao hơn so với giống điều nêu trên được tuyển chọn mới từ trong nước hoặc nhập nội được chuẩn bị đưa ra sản xuất. Với chiều hướng phát triển như vậy, năng suất vườn điều Việt Nam có điều kiện vươn lên đứng hàng đầu thế giới.

Cùng với việc giới thiệu các giống điều mới, các nhà khoa học đã đưa ra ba quy trình: Nhân giống điều, thâm canh điều và cải tạo các vườn điều cũ. Các biện pháp kỹ thuật bón phân hữu cơ và vô cơ, phòng trừ sâu bệnh hại điều, tỉa cành tạo tán, làm cỏ v.v. đã được nhiều nông dân áp dụng có kết quả, góp phần quyết định tăng năng suất, chất lượng vườn điều ở nước ta, nhất là ở các tỉnh: Bình Phước, Bà Rịa-Vũng Tàu, Ðồng Nai.

Chế biến hạt điều thô lấy nhân xuất khẩu là ngành công nghiệp mới, liên tục tăng trưởng trong gần 20 năm qua, đưa tổng công suất chế biến hạt điều thô ở Việt Nam chiếm một phần hai tổng sản lượng điều thế giới. Tuy hai khâu cắt vỏ cứng và bóc vỏ lụa còn đang phải làm thủ công nhưng nhiều khâu khác đã được cơ giới hóa và có nhiều ưu điểm: tỷ lệ thu hồi nhân nguyên cao (85-90%). Trong khi các nước khác chỉ đạt 60-65%, mức đầu tư cho máy móc không lớn nên sớm thu hồi vốn và tạo được nhiều việc làm cho người lao động.

Ðến năm 2005, ngành điều đã có mười nhà máy được cấp chứng nhận chất lượng quản lý theo các tiêu chuẩn quốc tế như: ISO 9001-2000, ISO 9001-2001, bảy doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn HACCP như LAFOOCO, DONAFOODS, Nhật Huy, TANIMEX v.v. Sức cạnh tranh của ngành sản xuất điều nước ta rất cao là một thuận lợi lớn, có thể tiếp tục phát triển bền vững trong nhiều năm tới.

Việt Nam trở thành thành viên thứ 150 của WTO, lúc này mọi người, mọi đơn vị trong ngành sản xuất điều phải xem xét toàn diện cả thời cơ và thách thức. Bên cạnh những ưu thế, ngành sản xuất điều cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại, ảnh hưởng đến hiệu quả và sức cạnh tranh.

Việc quy hoạch đúng vùng trồng điều có hiệu quả là việc cần làm gấp. Ðã qua rồi giai đoạn trồng điều theo phong trào. Cây điều chỉ có thể trồng và đem lại hiệu quả ở vùng Ðông Nam Bộ, vùng đồi núi thấp ở Tây Nguyên và một số khu vực ở duyên hải miền trung và đồng bằng sông Cửu Long; ngược lại trồng ở những vùng đất đai và khí hậu không thuận lợi đều cho năng suất thấp, hạt nhỏ, chi phí sản xuất và giá thành cao, dẫn đến hiệu quả thấp. Việc không áp dụng đầy đủ các biện pháp thâm canh cây điều, phòng trừ bọ xít, muỗi và bệnh hại điều, tình trạng trồng điều bằng hạt, hoặc buông lỏng quản lý chất lượng giống cây điều ghép của các địa phương chưa tốt cũng là mối nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa sự phát triển bền vững của vùng điều nguyên liệu.   

Trong chế biến hạt điều còn hai công đoạn là cắt, tách vỏ điều và bóc vỏ lụa vẫn phải sử dụng quá nhiều lao động thủ công. Việc nghiên cứu thiết bị và công nghệ để cơ giới hóa hai công đoạn nói trên ngày càng bức xúc, thậm chí là điều kiện sống còn để phát triển bền vững. Ðây là đơn đặt hàng lớn của ngành từ nhiều năm nay đối với các nhà khoa học và các cơ quan khoa học nhưng rất tiếc đến nay vẫn chưa có hồi âm.

Khâu thu mua hạt điều chưa được điều hành quản lý tốt của các cơ quan chức năng, chưa có sự liên kết giữa các khâu sản xuất-thu mua-chế biến theo tinh thần Quyết định 80/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nên vẫn còn một số thiếu sót. Tình trạng ngâm nước, trộn tạp chất vào hạt điều, thu hái điều non tồn tại nhiều năm nay đã làm giảm chất lượng điều nguyên liệu, từ đó làm giảm chất lượng nhân điều xuất khẩu. Một doanh nhân nước ngoài đã nói: "Ðiều Việt Nam nổi tiếng là thơm, ngon nhưng nếu còn để tình trạng này xảy ra thì khó mà duy trì được chất lượng hàng đầu mà Việt Nam đang có". Hiện tượng tranh mua, tranh bán, tạo giá "ảo" cho người trồng và doanh nghiệp chế biến cũng góp phần làm cho sự phát triển ngành thiếu ổn định và bền vững.

Khi gia nhập WTO, hội nhập vào thị trường thế giới đòi hỏi phải xây dựng được tiêu chuẩn cho sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng những yêu cầu khắt khe của khách hàng là những việc phải làm ngay, không thể trì hoãn. Tham gia vào "sân chơi" lớn, việc xây dựng thương hiệu sản phẩm có uy tín của ngành sản xuất điều Việt Nam mới là một bảo đảm để chiếm lĩnh thị trường, để chuyển từ việc xuất khẩu nhân điều thô sang xuất khẩu nhân điều chế biến với các sản phẩm đa dạng, có giá trị hơn nhiều lần


Nguồn tin: Báo Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường