Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Không nên xuất khẩu gạo ồ ạt
24 | 10 | 2011
Các chuyên gia trong nước cho rằng Việt Nam phải tính toán các kịch bản xuất khẩu gạo, đặc biệt là không nên xuất khẩu ồ ạt, sau khi Thái Lan tuyên bố nhường vị trí xuất khẩu gạo số 1 thế giới cho Việt Nam và thực hiện chính sách nâng đỡ giá lúa gạo trong nước tăng đột biến.

Trước khả năng Việt Nam vượt qua Thái Lan, trở thành nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới sau khi nước này thực hiện chính sách hỗ trợ giá lúa cho nông dân, đặc biệt trong bối cảnh nước này đang gánh chịu lũ lụt nặng nề làm giảm sản lượng lúa lớn.

Theo cam kết, kể từ ngày 7/10, Thái sẽ nâng giá thu múa lúa của nông dân từ 10.000 lên 15.000 bath, tương đương 500 đô la Mỹ/tấn lúa, đưa giá gạo xuất khẩu loại 5% tấm lên 850 đô la Mỹ/tấn.

Với mức giá này, giá gạo Thái sẽ hầu như không thể cạnh tranh với gạo Ấn Độ, Pakistan, và nhất là Việt Nam, đang ở vị trí xuất khẩu lớn thứ 2 thế giới, với lượng xuất khẩu ước tính trên 7 triệu tấn gạo năm nay.

Bên cạnh đó, trận lũ lụt tồi tệ ở những vùng trồng lúa của Thái Lan theo thống kê sơ bộ của Bộ nông nghiệp nước này đến ngày 17-10, đã gây thiệt hại cho gần 8 triệu tấn lúa. Trong các tuyên bố gần đây, Chính phủ Thái cũng tuyên bố sẽ “nhường” vị trí xuất khẩu lớn 1 thế giới lại cho Việt Nam.   

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Cần Thơ, nếu chính phủ Thái Lan duy trì chính sách nhất quán và kéo dài ít nhất 4 đến 5 năm thì Việt Nam có thể hưởng lợi trong 3-4 năm đầu khi giá lúa gạo thế giới tăng kích thích tăng trưởng sản lượng sản xuất của Việt Nam và do đó làm gia tăng lượng gạo xuất khẩu cũng nhiều hơn.

Nhưng điều này theo ông cũng ẩn chứa rủi ro vì giá cả gia tăng cũng đồng thời kích thích việc gia tăng sản lượng ở cả Thái Lan, những quốc gia xuất khẩu khác như Myanmar, Campuchia, Ấn Độ, Pakistan… kể cả những nước nhập khẩu lúa gạo có điều kiện sản xuất lúa gạo. Khi nguồn cung lớn hơn cầu, giá cả sẽ đảo chiều.

Theo ông Dũng, điều đáng ngại là giá lúa gạo tăng vọt cũng có thể tác động đến chính sách của nhiều nước có dự trữ lớn về lương thực như Mỹ, Ấn Độ.

“Trường hợp họ mở kho dự trữ, giá lúa gạo thế giới có thể giảm trở lại. Giá cả tăng lên cao rồi sau đó giảm mạnh, thậm chí rất mạnh, tác động đến sản xuất và tiêu thụ trong nước là vấn đề mà Việt Nam đã trải qua trong các chu kỳ giá trước đây”, ông Dũng nói.

Bên cạnh đó, ông Dũng cũng lưu ý khi giá cả tăng vọt, việc kích thích sản xuất trong ngắn hạn thường kéo theo gia tăng chi phí và làm giảm lợi nhuận biên. Khi giá cả đảo chiều thì nguy cơ lỗ là rất lớn và nhiều rủi ro cho nhà nông và doanh nghiệp trong nước.

“Đây là vấn đề Việt Nam phải tính đến để tránh thiệt hại cho nông dân. Còn nếu Thái Lan chỉ thực hiện chính sách trên trong một vài năm, vì nhiều lý do phải bãi bỏ hoặc điều chỉnh với cắt giảm lớn thì tác động đến chúng ta chỉ trong ngắn hạn. Áp lực suy giảm giá sau đó (so với kịch bản chính phủ Thái Lan thực hiện liên tục nhiều năm) sẽ không quá lớn”, ông nói thêm.

Tương tự, đại diện Tổng công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cũng không lạc quan với khả năng Việt Nam vượt mặt Thái Lan về lượng gạo xuất khẩu, khi cho rằng các nhà xuất khẩu Thái thấy giá gạo thế giới nếu tăng vượt qua giá mua lúa trợ giá thì cũng trở lại tham gia thị trường như trước đây.

Còn ông Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện lúc Đồng bằng sông Cửu Long nhận xét, xuất khẩu khối lượng gạo nhiều nhất thế giới chưa chắc mang lại nhiều lợi ích hơn cho Việt Nam trong điều kiện chúng ta chưa có bất kỳ chiến lược nào dành cho sự thay đổi lớn này.

Trước mắt, theo ông Bảnh, ước tính lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam chỉ chiếm khoảng 20% nhu cầu thế giới nên và con số này rất khó thay đổi trong ngắn hạn, kể cả khi Thái Lan giảm thị phần.

"Theo tôi chỉ nên tính toán xuất khẩu với số lượng vừa đủ nhưng với giá tốt, sẽ mang nhiều lợi ích hơn xuất khẩu ồ ạt. Hơn nữa, không nên quá bận tâm với vị trí thứ nhất hay thứ hai trong xuất khẩu gạo thế giới mà nên dành sự quan tâm đến chính sách phát triển dài hạn và lợi ích lâu dài của nông dân”, ông Bảnh nói.

Theo Phạm Thái

TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường