Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường cao su trong quý III/2011 và dự báo thời gian tới
25 | 10 | 2011
IRSG dự báo nhu cầu cao su toàn cầu (bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp) sẽ tăng lên 25,7 triệu tấn trong năm 2011, giảm so với mức dự báo đưa ra vào tháng 3/2011 là 26,1 triệu tấn

I. Sản xuất và thị trường thế giới

 

Theo ANRPC, sản lượng cao su thiên nhiên từ các quốc gia hội viên chỉ tăng trưởng 3,4% trong quý III/2011 so với tốc độ 10,5% và 3,3% đã đạt được tuần tự trong hai quý vừa qua nhưng đã tăng 12,1% so với quý III của năm 2010. Dự báo năm 2011 sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đạt 9,96 triệu tấn, cao hơn dự báo trước đó là 9,94 triệu tấn do sản lượng Indonesia, quốc gia sản xuất cao su lớn thứ 2 được cải thiện.

 

IRSG dự báo nhu cầu cao su toàn cầu (bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp) sẽ tăng lên 25,7 triệu tấn trong năm 2011, giảm so với mức dự báo đưa ra vào tháng 3/2011 là 26,1 triệu tấn, nhưng vẫn còn cao hơn mức tiêu thụ của năm trước là 24,6 triệu tấn. Nhu cầu này được dự báo sẽ tăng thêm trong năm 2012 lên đến 27,6 triệu tấn.

 

Nhu cầu cao su tổng hợp toàn cầu được dự báo tăng 5% trong năm 2011 và 9% trong năm 2012, trong khi nhu cầu cao su thiên nhiên toàn cầu được dự báo tăng 3,8% trong năm 2011 và 5,4% trong năm 2012.

 

ANRPC dự báo mức tăng trưởng của ngành cao su năm 2012 sẽ tăng trong khoảng từ 2,8%-3,8%. Mặc dù mức tăng trưởng sẽ tăng chậm lại kể từ năm 2013 trở đi nhưng ANRPC vẫn đưa ra mức tăng trưởng ngành cao su năm 2015 sẽ đạt khoảng 6%. Các năm kể từ 2016, sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu được dự kiến chậm lại đáng kể. Sự thiếu hụt nguồn cung cao su thiên nhiên hiện nay sẽ tiếp tục và sẽ thiếu cho đến năm 2018 ngay cả khi nhu cầu chỉ tăng ở mức vừa phải. Theo đó ANRPC dự báo sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu sẽ tăng tối đa lên 10,3 triệu tấn vào năm 2012, 12,2 triệu tấn vào năm 2015 và 13,4 triệu tấn vào năm 2018. Thái Lan và Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng cao trong khi tăng trưởng tại Indonesia và Malaysia ổn định.

 

Theo Hải Quan Trung Quốc, nhập khẩu cao su thiên nhiên của nước này tháng 8 đạt 200 nghìn tấn, tăng 70 nghìn tấn so với tháng 7/2011 và tăng 40 nghìn tấn so với cùng kỳ năm 2010. Dự báo cả năm 2011 tiêu thụ cao su thiên nhiên của Trung Quốc đạt khoảng 3,5 triệu tấn, tăng 6,1% so với năm trước.

 

Theo Hội đồng cao su Ấn Độ, nhập khẩu cao su thiên nhiên trong tháng 8/2011 đạt 14,06 nghìn tấn, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2010 do giá cao su trong nước giảm xuống thấp hơn giá quốc tế và Chính phủ Ấn Độ bỏ những ưu đãi về nhập khẩu lốp xe. Sản xuất trong nước tháng 8/2011 đạt 71,2 nghìn tấn, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước do mưa lớn ảnh hưởng đến Kerala, khu vực khai thác cao su chính của Ấn Độ.

 

Biến động giá cả: gá cao su phục hồi nhẹ trong tháng 9 do nguồn cung hạn chế ở các nước sản xuất chủ lực đặc biệt là thời tiết xấu ở thái Lan và nhu cầu tăng mạnh từ ngành ô tô toàn cầu là yếu tố giúp hỗ trợ giá cao su tăng nhẹ trong tháng này. Tuy nhiên đến cuối tháng 9 giá cao su có xu hướng giảm do nền kinh tế tại Châu Á tăng trưởng chậm và khủng hoảng nợ công của Châu Âu làm suy yếu nhu cầu về cao su giảm. Giá cao su kỳ hạn ngày 19/9/2011 giao tháng 2/2012 giảm 1,6% còn 359,1 yên/kg (4.670 USD/tấn), mức giá thấp nhất kể từ ngày 6/9/2011. Giá cao su giao ngay tại Thái Lan đạt mức 141,4 bạt/kg (4,67 USD/kg).

 

II. Sản xuất và thị trường trong nước

 

Sản xuất: Năm 2011 ngành cao su Việt Nam đã tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu cao su thông qua việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng cường xúc tiến thương mại. Đồng thời phối hợp với các doanh nghiệp mở rộng thêm 60.000ha tại khu vực Tây Bắc, Đông Bắc nâng diện tích trồng cao su của cả nước lên thành 800.000 ha, các nhà khoa học cũng đưa ra các giải phát phát triển cây cao su một cách có hiệu quả để có thể cho sản lượng 1,1 triệu tấn vào năm 2015 và 1,2-1,4 triệu tấn vào năm 2020.

 

Xuất khẩu: Theo số liệu của Hải Quan Việt Nam, khối lượng cao su xuất khẩu tháng 9 ước đạt 80 ngàn tấn, trị giá đạt 2,3 tỷ USD; tăng 3,3% về lượng và 61,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2010. Xuất khẩu cao su tăng trưởng về kim ngạch ở hầu hết các thị trường dù lượng xuất khẩu sang một số thị trường giảm. Giá cao su xuất khẩu bình quân 8 tháng đầu năm tăng 58,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 4.323 USD/tấn.

 

Thị trường xuất khẩu chính của cao su Việt Nam 8 tháng năm 2011

 

Đơn vị: Lượng = Tấn; Giá trị = 1.000 USD

 

TT

Mặt hàng/Tên nước

8 tháng/2010

8 tháng/2011

% 2011/2010

Lượng

Giá trị

Lượng

Giá trị

Lượng

Giá trị

1

TRUNG QUỐC

252.432

674.171

274.834

1.166.133

108,87

172,97

2

MALAIXIA

27.059

71.039

32.903

142.187

121,60

200,15

3

ĐÀI LOAN

18.610

55.679

19.587

91.926

105,25

165,10

4

HÀN QUỐC

21.409

56.554

19.755

82.919

92,27

146,62

5

ĐỨC

15.881

48.715

16.923

82.237

106,56

168,81

6

HOA KỲ

12.991

32.615

13.484

51.921

103,79

159,19

7

THỔ NHĨ KỲ

7.488

21.069

7.767

34.927

103,73

165,77

8

NGA

10.965

33.858

6.827

34.291

62,26

101,28

9

NHẬT BẢN

6.526

21.022

6.249

31.794

95,76

151,24

10

ẤN ĐỘ

12.561

37.724

6.352

29.690

50,57

78,70

 

Nguồn: Tổng cục Thống kê

 

Trung Quốc tiếp tục là thị trường dẫn đầu trong xuất khẩu cao su thiên nhiên của Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2011, xuất khẩu cao su Việt Nam sang Trung Quốc đạt 274.834 tấn, chiếm 61% thị phần, trị giá khoảng 1,17 tỷ USD, với chủng loại xuất khẩu nhiều nhất là SVR 3L, SVR 10 và cao su hỗn hợp. Đứng thứ hai là Malaysia, đạt khoảng 32.903 tấn, chiếm 7,3% thị phần, trong đó chủng loại nhiều nhất là SVR 10, hỗn hợp và SVR 3L. Tiếp đến là thị trường Đài Loan chiếm khoảng 4,7% thị phần, Hàn Quốc 4,4%, Đức 3,7%.

 

Theo dự báo của Hiệp hội cao su Việt Nam lượng cao su xuất khẩu năm 2011 sẽ tăng khoảng 4% và nhờ bổ sung nguồn cao su tạm nhập tái xuất Việt Nam có thể xuất khẩu gần 800.000 tấn, trị giá xuất khẩu năm nay ước đạt trên 3 tỷ USD cao hơn mức 2,3 tỷ USD của năm 2010.

 

Diễn biến giá cả: Giá cao su xuất khẩu cao so với năm trước, giá cao su xuất khẩu trung bình 8 tháng đầu năm 2011 đạt 4.315 USD/tấn, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2010. Tháng 8 giá cao su xuất khẩu bình quân giảm 1,5% so với tháng 7 đạt 4.190 USD/tấn. Dự báo giá cao su trong tháng tới có thể giảm nhẹ do nền kinh tế phục hồi chậm và khủng hoảng nợ công tại Châu Âu.

 

3. Nhận định dự báo:

 

Dự báo năm 2011 sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu đạt 9,96 triệu tấn, nhu cầu cao su toàn cầu (bao gồm cả cao su thiên nhiên và cao su tổng hợp) sẽ tăng lên 25,7 triệu tấn trong năm 2011. Nhu cầu này được dự báo sẽ tăng thêm trong năm 2012 lên đến 27,6 triệu tấn. Khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam năm 2011 dự báo có thể đạt gần 820 ngàn tấn, giảm gần 3 ngàn tấn so với con số dự báo của tháng 8 đạt giá trị kim ngạch lớn hơn, đạt hơn 3,629 tỷ USD, giảm gần 400 triệu USD so với con số dự báo của tháng 8. Nguyên nhân chủ yếu là tác động của thị trường cao su thế giới dẫn đến xu hướng giảm giá xuất khẩu trong những tháng gần đây.

 

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê-Bộ Nông nghiệp và PTNT



Báo cáo phân tích thị trường