Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kinh tế thế giới năm 2006 và những tác động đối với nền kinh tế Việt Nam
24 | 09 | 2007
Bức tranh kinh tế thế giới năm 2006 có những gam màu rất sáng, bất chấp những yếu tố bất ổn về an ninh, chính trị ở một số khu vực trên thế giới, giá xăng dầu liên tục lên xuống thất thường, thiên tai, dịch cúm gia cầm… Điều này cũng có tác động không nhỏ đến nền kinh tế Việt Nam.
Nếu như năm 2004, nền kinh tế thế giới được các chuyên gia coi là năm đỉnh cao của sự tăng trưởng trong vòng 30 năm qua thì trong năm 2006, sự tăng trưởng này tiếp tục được duy trì với mức 5,1%. Trong bối cảnh giá dầu không ổn định và đã được dự báo có khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, song sự tăng trưởng kinh tế diễn ra ở hầu hết các châu lục, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hai nền kinh tế Trung Quốc và ấn Độ có những bước phát triển đột phá. Điều này cho thấy có sự thay đổi cán cân sức mạnh kinh tế.

Nếu như trước đây khi nhắc tới sự phát triển của nền kinh tế thế giới là nhắc đến Mỹ và Tây Âu thì nay không thể không nhắc đến Trung Quốc. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong vài năm qua liên tục giữ ở mức trên dưới 10% và trong năm 2006, con số này vẫn không thay đổi. Bên cạnh đó, Ấn Độ và Nga cũng liên tục theo sát Trung Quốc. Ấn Độ được đánh giá là nước có mô hình tăng trưởng khá mới lạ. Lĩnh vực xuất khẩu dịch vụ đóng vai trò then chốt và tập trung vào phát triển công nghệ cao cùng đội ngũ nhân viên lành nghề. Các nền kinh tế mới nổi này chiếm tới 70% tổng dự trữ ngoại tệ thế giới và chiếm tới 80% dân số thế giới, tạo động lực mạnh mẽ đẩy con tàu kinh tế thế giới lao nhanh về phía trước. Và hầu hết các chuyên gia đều dự báo, với đà này, 2007 tiếp tục là một năm đầy sức sống của kinh tế toàn cầu.

Năm qua cũng là năm mà các hoạt động kinh tế song phương diễn ra sôi động, mặc dù vòng đàm phán Doha vẫn đang bế tắc. Những thủ tục kinh doanh được nới lỏng hơn rất nhiều, tạo điều kiện dễ dàng cho các doanh nghiệp hoạt động trên phạm vi toàn cầu, thúc đẩy đầu tư quốc tế và tạo nhiều công ăn việc làm. Theo số liệu khảo sát của Ngân hàng Thế giới (World Bank) đối với 155 nước trên thế giới, có tới 2/3 quốc gia trong số này đã giảm thiểu các thủ tục hành chính rườm rà, các quy định về thuế, chi phí thương mại, quyền sở hữu trí tuệ và cơ hội được hưởng tín dụng đang được dần điều chỉnh cho phù hợp, hoàn thiện hơn theo hướng thúc đẩy đầu tư và thương mại quốc tế. Trong khi đó, đối với ngành công nghệ - viễn thông - truyền thông, năm 2006 lại là một năm sôi động với những đợt sáp nhập, chuyển nhượng và ngày càng có thêm nhiều dịch vụ tiện ích, góp phần thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu.

Trong xu thế tăng trưởng chung của nền kinh tế thế giới, năm qua cũng là một năm thành công của kinh tế Việt Nam. Gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tổ chức thành công năm APEC 2006 mà đỉnh cao là tuần lễ cấp cao APEC 14 tại Hà Nội, Việt Nam đã tạo nên một dấu ấn quan trọng với cộng đồng quốc tế. Trong tình hình các nước láng giềng trong khu vực có nhiều yếu tố bất ổn về mặt chính trị thì với nền chính trị ổn định, tốc độ kinh tế tăng trưởng cao và liên tục, cùng với đường lối chính sách ngày càng rộng mở, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn và an toàn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn ODA được các nhà tài trợ cam kết trong năm 2006 đạt mức kỷ lục từ trước đến nay, lên tới gần 4,5 tỷ USD, thể hiện sự tin tưởng ngày càng tăng của các nhà tài trợ quốc tế.

Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế IMF, với tốc độ tăng trưởng xếp thứ 2 trong khu vực (sau Trung Quốc), Việt Nam hiện nay có thể được coi như một nền kinh tế mới nổi ở châu á. Song khi ngày càng hội nhập sâu vào nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam cần đảm bảo rằng mọi lĩnh vực kinh tế được chuẩn bị đầy đủ để đối diện với cạnh tranh từ bên ngoài. Sự trỗi dậy của kinh tế Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN sẽ có tác động nhiều mặt tới kinh tế Việt Nam, đặt ra nhiều cơ hội cũng như thách thức. Để tận dụng được các cơ hội, cũng như vượt qua các thách thức, Việt Nam cần tiếp tục cải cách cũng như đẩy mạnh hội nhập kinh tế khu vực và quốc tế.



Theo VOV
Báo cáo phân tích thị trường