Trong tháng 9, xuất khẩu cà phê toàn cầu giảm 14,6%, xuống 7,04 triệu bao, tháng suy giảm thứ ba liên tiếp so với năm ngoái.
Sự suy giảm này chủ yếu là do một số nước sản xuất cà phê lớn như Việt Nam, giảm 26% xuống 850 ngàn bao, và Indonesia, giảm khoảng 66% xuống 225 ngàn bao.
Dự trữ cạn kiệt
Tuy nhiên, sự suy giảm xuất khẩu trong tháng 9 niên vụ 2010/11 chủ yếu là do dự trữ cạn kiệt và các nhà xuất khẩu không còn hàng để giao, thay vì cho thấy dấu hiệu của nhu cầu yếu đi.
Theo nhà giao dịch tại Luân Đôn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đầu vụ tăng nhanh; trong khi đó, xuất khẩu cà phê của Indonesia chịu thiệt hại do vụ thu hoạch xấu.
Viện nghiên cứu Cà phê và Cacao Indonesia dự đoán sản lượng cà phê của nước này sẽ giảm khoảng 30%, xuống mức khoảng 400 ngàn tấn (tương đương 6,7 triệu bao) sau khi mưa lớn làm ảnh hưởng đến thời điểm cây cà phê trổ hoa.
Hơn nữa, một số nhà sản xuất Việt Nam có thể sẽ tích trữ do một phần nguồn cung cà phê nước này sẽ giành cho quỹ tạm trữ. Các nhà xuất khẩu cà phê tháng 9 đã đồng ý một kế hoạch dài hơi về việc dự trữ khoảng 420 ngàn tấn, tương đương 7 triệu bao, cà phê.
Đầu tháng 10, Morgan Stanley cảnh báo rằng kế hoạch này có thể ảnh hưởng đến thương mại của Việt Nam và tạm trữ cà phê để ngăn tình trạng cạn kiệt nguồn cung có thể làm giảm kim ngạch xuất khẩu đầu mùa thu hoạch.
Xuất khẩu cao kỷ lục
Theo số liệu mới nhất của ICO, xuất khẩu cà phê niên vụ 2010/11 toàn cầu ở mức cao kỷ lục 103,1 triệu bao, tăng 9,3% so với niên vụ trước.
Xuất khẩu cà phê Robusta tăng mạnh 11,9%, lên 36,6 triệu bao. Kim ngạch xuất khẩu cà phê Robusta của Brazil tăng gấp 2 lần, lên 2,5 triệu bao.
Kim ngạch xuất khẩu cà phê Arabica tăng 8,3%, lên 66,6 triệu bao, chủ yếu là do các nhà xuất khẩu Trung Mỹ giảm hoạt động. Xuất khẩu cà phê từ Colombia, nước chịu thiệt hại do thời tiết bất lợi, bật tăng 12,1% lên 8,06 triệu bao, nhưng vẫn dưới mức xuất khẩu trung bình lịch sử, hơn 11 triệu bao.
Theo Agrimoney