Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thiếu nguồn cung nhưng lúa gạo vẫn giảm giá
07 | 11 | 2011
“Hơn nữa tháng nay, nhà máy của tôi đã tạm ngưng hoạt động do nguồn lúa hàng hóa hiện rất khan hiếm. Tuy nhiên, điều tôi thấy lạ là dù lúa khan hiếm nhưng giá lúa gạo vẫn cứ giảm”, ông Thanh Phong, giám đốc doanh nghiệp xay xát lúa gạo Vạn Lợi 2, xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết.

Sau 4 lần tăng giá liên tiếp trong tháng 10, ngay những ngày đầu tháng 11 này giá lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL như Tiền Giang, Đồng Tháp đã quay đầu giảm nhẹ trở lại dù nguồn cung thiếu hụt.

Lúa gạo quay đầu đi xuống

Lũ lụt xảy ra thời gian qua tại các tỉnh ĐBSCL đã làm khoảng 8.000 héc ta lúa thu đông (lúa vụ 3) ở Đồng Tháp, An Giang mất trắng, gây ảnh hưởng đến nguồn cung. Dù nguồn cung bị ảnh hưởng nhưng giá lúa trong những ngày đầu tháng 11 này bất ngờ giảm 100-150 đồng/kg. Tại Tiền Giang, thông tin từ cánh thương lái thu mua lúa tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, hiện lúa IR 50404 (khô) đã giảm từ 100-150 đồng/kg so với mức giá ngày 20/10, được thương lái trực tiếp thu mua trong dân còn 7.300-7.400 đồng/kg.

Các loại lúa hạt dài như OM 4218, OM 4900, OM 5451, OM 4900, lúa thơm Jasmine cũng giảm từ 100-150 đồng/kg xuống mức giá 7.600-7.850 đồng/kg (tùy loại).

Ông Dương Văn Mến, ngụ tại huyện Lấp Vò, Đồng Tháp - thương lái chuyên thu mua lúa tại thị trường Đồng Tháp, An Giang xác nhận, giá lúa tại 2 địa phương này có dấu hiệu chững lại kể từ cuối tháng 10 và giảm nhẹ trong những ngày đầu tháng 11 này.

Theo các doanh nghiệp kinh doanh gạo tại chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang mà người viết tiếp xúc cho biết, trong ngày đầu tháng 11 này giá gạo nguyên liệu và thành phẩm đã giảm nhẹ trở lại từ 50-150 đồng/kg (tùy loại) so với mức giá giữa tháng 10. Theo đó, gạo nguyên liệu của các giống lúa hạt dài hiện dao động quanh mức 9.600-9.700 đồng/kg, giảm 50-100 đồng/kg; gạo nguyên liệu của giống lúa IR 50404 giảm 100-150 đồng/kg xuống mức giá 9.500-9.600 đồng/kg.

Giá gạo thành phẩm cũng giảm 50 - 100 đồng/kg, xuống mức giá 11.800 - 11.900 đồng/kg đối với gạo 5% tấm, 11.100 - 11.200 đồng/kg đối với gạo 15% tấm và gạo 25% tấm là 10.650 - 10.750 đồng/kg.

Đại diện doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu gạo Nghĩa Thoa, chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết, lúa gạo nội địa trầm lắng và có dấu hiệu giảm trở lại là do thị trường xuất khẩu gần đây khá im ắng.

Tuy nhiên, theo ông Thanh Phong, giám đốc doanh nghiệp xay xát lúa gạo Vạn Lợi 2 cho biết: “Hiện tại nguồn cung khan hiếm nên có rất ít người bán và ít người mua, đây là nguyên nhân làm giá lúa gạo sụt giảm”.

“Đói” nguyên liệu, nhà máy tạm đóng cửa

Trong những ngày này, hàng loạt nhà máy, xí nghiệp xay xát, lau bóng lúa gạo tại khu vực xã Tân Bình, huyện Cai Lậy, Tiền Giang phải tạm dừng hoạt động hoặc chỉ hoạt động cầm chừng 10-30% công suất do thiếu nguyên liệu. Ông Phong thừa nhận, hơn nửa tháng qua, nhà máy của ông chỉ hoạt động cầm chừng, thậm chí có lúc phải đóng cửa dừng hẳn do không có nguyên liệu về nhà máy.

Dù không có số liệu thống kê chính thức số về lượng nhà máy, cơ sở xay xát, lau bóng lúa gạo tại xã Tân Bình, huyện Cai Lậy đã đóng cửa nhưng theo khảo sát của người viết, số lượng này có thể lên đến 80%.

Tại khu vực chợ đầu mối Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang- nơi tập trung một lượng lớn lúa gạo hàng hóa của các tỉnh ĐBSCL, hiện hàng loạt nhà máy, cơ sở lau bóng gạo cũng rơi vào cảnh “tạm thời đóng cửa vì thiếu nguyên liệu”.

Bà Ba Ánh, giám đốc doanh nghiệp Tấn Tài III, chợ Bà Đắc, huyện Cái Bè, Tiền Giang cho biết: “So với cách đây 2-3 tháng, hiện lượng lúa gạo về chợ đầu mối đã giảm 60-70%, số lượng giao dịch cũng giảm khá mạnh”.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường