Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sàn hàng hóa: Cơ hội cho nông dân và doanh nghiệp
07 | 11 | 2011
Sàn giao dịch hàng hóa ra đời mang đến cho các thành phần kinh tế một cơ hội để bảo hộ giá cả hàng hóa (hay thường gọi là hedging). Khi một người nông dân có hàng, họ cần thông qua sàn giao dịch để bán trước hàng hóa, chống lại rủi ro giá giảm. Khi doanh nghiệp cần hàng, họ cần mua trước để dự liệu rủi ro khi giá tăng.

Cơ hội đi liền rủi ro

Lời hay lỗ từ các giao dịch qua sàn bù trừ cho khoản lỗ hay lời từ giao dịch hàng thật. Nhờ có sàn giao dịch hàng hóa, một khi đã hedging, người nông dân hay doanh nghiệp không còn lo ngại đến sự biến động giá nữa.

Nếu vận dụng tốt công cụ này, nông dân, doanh nghiệp kinh doanh luôn đảm bảo được lợi nhuận, hạn chế rủi ro. Khi giá đầu vào (đầu vào của tiêu dùng xã hội) được bình ổn, giá các sản phẩm đầu cuối như xăng dầu, gạo, lương thực thực phẩm thiết yếu và các mặt hàng tiêu dùng trong nước sẽ được bình ổn. Lợi ích của sàn giao dịch hàng hóa đến tay với từng người tiêu dùng và toàn xã hội chứ không đơn thuần là của người trực tiếp sản xuất hay kinh doanh mặt hàng đó.

Những hiện tượng hoảng loạn, phá sản khi biến động giá gạo, giá xăng dầu, giá vàng, giá cà phê chứng tỏ các doanh nghiệp Việt Nam chưa sử dụng hoặc có mà không hữu hiệu các công cụ bảo hộ giá hàng hóa.

Nếu doanh nghiệp muốn đầu cơ vào thị trường hàng hóa thì buộc phải tìm hiểu và nắm vững cách quản trị rủi ro: chỉ đầu cơ trong giới hạn cho phép và tách biệt với hoạt động bảo hộ.

Ví dụ điển hình nổi tiếng trên thế giới từ việc không tuân thủ nguyên tắc quản lý rủi ro dẫn đến thiệt hại là trường hợp của Jérôme Kerviel năm 2008 và Nick Leeson năm 1995. Jérôme Kerviel dùng hợp đồng “futures” đầu cơ vào chỉ số chứng khoán, gây thiệt hại cho Ngân hàng Société Générale gần 5 tỉ euro. Nick Leeson dùng hợp đồng “futures” đầu cơ vào chỉ số Nikkei gây thiệt hại 860 triệu bảng Anh và làm phá sản Ngân hàng Barings, hơn 200 tuổi, nơi anh ta làm việc.

Tóm lại, tránh rủi ro về giá, nông dân và doanh nghiệp chỉ có một lựa chọn: phải bảo hộ giá. Sử dụng hợp đồng "futures", "option" qua sàn giao dịch hàng hóa là một trong số những lựa chọn tốt nhất. Tuy nhiên, những công cụ này là con dao hai lưỡi. Do đó, để việc bảo hộ qua sàn trở nên hữu hiệu, họ buộc phải trung thành với nguyên lý bảo hộ, sử dụng chúng một cách kỹ luật, tránh xa cám dỗ đầu cơ.

Khuyến nghị

Nhà làm luật và cơ quan quản lý nhà nước ở ta hiện chưa có cái nhìn thống nhất, đồng bộ cho sàn giao dịch hàng hóa và các công cụ của thị trường này. Xuất phát từ việc đánh giá thấp rủi ro của sàn giao dịch hàng hóa, nhà làm luật không xây dựng một thiết chế đủ mạnh để quản lý thị trường này. Việc đóng cửa sàn vàng là một minh chứng cho thấy sự hạn chế như đã nói.

Một khi nhà làm luật, nhà quản lý và nhà đầu tư chưa nhận thức đủ, chưa quan tâm đến việc quản lý rủi ro đúng mức thì số phận các sàn giao dịch hàng hóa khác cũng còn mong manh. Rủi ro không chỉ dừng lại ở chỗ đóng cửa vài sàn giao dịch hàng hóa mà còn ảnh hưởng đến cả nền kinh tế nếu xảy ra phá sản dây chuyền và niềm tin của mọi người vào thị trường này đổ vỡ. Hoặc tồi tệ hơn là có thể sụp đổ cả một thị trường các sàn giao dịch hàng hóa nguyên nhiên liệu thô còn non trẻ ở Việt Nam.

Vì thế, các nhà làm luật nên xem sàn giao dịch hàng hóa với công cụ là hợp đồng “futures”, hợp đồng quyền chọn là một dạng “chợ tài chính” và thiết lập những cơ chế quản lý chặt chẽ cần thiết. Cơ quan quản lý thị trường cũng cần đặt yêu cầu về chuyên môn đối với công ty môi giới, sự am hiểu cơ bản về các rủi ro đối với nhà đầu tư.

Có như thế, thị trường hàng hóa ở Việt Nam mới tránh được rủi ro và có cơ hội phát triển bền vững.

Đối với các nông dân và doanh nghiệp, sàn giao dịch hàng hóa mở ra một cơ hội bảo hộ giá. Họ phải nhanh chóng học hỏi, tiếp cận và sử dụng. Điều đặc biệt lưu ý là phải biết phân biệt ranh giới giữa bảo hộ và đầu cơ, học cách bảo hộ và tuyệt đối hạn chế đầu cơ.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường