Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Miền Tây mất mùa cá đồng
08 | 11 | 2011
Khi nước lũ vừa tràn đồng, bà con nông dân sống bằng nghề câu, lưới ở các tỉnh vùng lũ ĐBSCL lại tất bật sửa soạn đồ nghề cho cuộc mưu sinh. Thế nhưng năm nay, dù lũ về nhiều nhất trong vòng 9-10 năm trở lại đây nhưng nguồn lợi thủy sản mang lại cũng chẳng bao nhiêu, không như trông đợi của người dân.

Lũ lớn nhưng… cá ít

Theo thông lệ, lũ trên đồng ruộng rút xuống cũng là lúc hoạt đánh bắt thủy sản ngoài tự nhiên sôi động nhất vì sản lượng cá, tôm nhiều. Tuy nhiên, hiện nước lũ ở các tỉnh ĐBSCL đang rút nhưng hoạt động đánh bắt vẫn khá im ắng bởi cá, tôm năm nay không nhiều như dự đoán ban đầu của người dân.

Đang loay hoay thả lưới, ông Trần Văn Hạnh ở xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, Long An cho biết: “Giăng kiếm ăn thôi chú ơi! Năm nay có cá mắm gì nhiều đâu”, khi người viết hỏi: “Giăng lưới được nhiều cá không chú?”.

Theo ông Hạnh, sau năm 2000, đây là năm đầu tiên nước lũ về các tỉnh ĐBSCL nhiều nhất, nhưng nguồn lợi thủy sản ngoài tự mang lại cũng chẳng được bao nhiêu, không khác gì vài năm vừa qua.

“Chú còn nhớ vào năm 2000, thả một phát lưới cả xóm ăn cũng không hết nữa, còn năm nay chỉ mong kiếm đủ ăn thôi chứ cũng chẳng có đâu mà đem bán”- ông Hạnh cho biết.

Để chuẩn bị đón mùa lũ năm nay, ông Huỳnh Văn Sen (Sáu Khỏe) ở ấp 5, xã Thạnh Lộc, Cai Lậy, Tiền Giang đã mua 200 mét lưới, nhưng từ đầu mùa lũ đến nay cũng chỉ kiếm đủ ăn được ngày 2 bữa mà thôi.

Ông Sáu Khỏe nói: “Những ngày lũ về, không có chuyện gì làm tôi mua 200 mét lưới về giăng kiếm con cá bán để có đồng ra đồng vô. Ai ngờ, năm nay cá mắm đâu cũng chẳng có”.

Trong những ngày này, chạy dọc theo những cánh đồng mênh mông nước của tuyến quốc lộ 80, hay các tuyến tỉnh lộ, đường huyện của tỉnh Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang chỉ có lác đác vài người đi giăng câu, thả lưới đánh bắt cá đồng vì nguồn cá ngoài tự nhiên ngày một ít đi.

Chợ cá vùng lũ: Cá nuôi áp đảo

Có một nghịch lý là dù sống trong vùng lũ ĐBSCL, nơi được mệnh danh là vùng “cá tôm đầy đồng” nhưng người nông dân vẫn ngày ngày sử dụng cá nuôi cho bữa ăn hàng ngày vì cá đồng ngày một ít dần.

Dạo quanh các chợ vùng lũ như chợ Tân Thạnh, huyện Tân Thạnh; Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa, Long An; chợ Sa Đéc, thị xã Sa Đéc, Đồng Tháp hay chợ Cai Lậy, huyện Cai Lậy, Tiền Giang…  đa phần các loại cá được tiểu thương kinh doanh ở những nơi này là … cá nuôi.

Khi người viết hỏi: “Sao chợ ở đây bán toàn cá nuôi không vậy chị?”, chị Lành, một tiểu thương kinh doanh tại chợ Cai Lậy nói: “Cá đồng năm nay ít lắm em ơi!”.

Theo chị Lành, dù hiện tại đang vào cao điểm của mùa đánh bắt cá đồng mùa lũ (khi nước trong đồng bắt đầu rút), nhưng có đến 60-70% cá bán ở chợ Cai Lậy là các loại cá nuôi, như có lóc, cá rô đầu vuông…

Dù nằm ở rốn lũ của vùng Đồng Tháp Mười - nơi tập trung nhiều cá tôm của khu vực ĐBSCL, nhưng theo các tiểu thương kinh doanh mặt hàng cá, tép ở chợ Mộc Hóa, huyện Mộc Hóa, Long An, nơi đây các loại cá nuôi vẫn chiếm đa phần, áp đảo hoàn toàn cá đồng.

Theo các nhà chuyên môn, việc lạm dụng xung điện (còn gọi là xiệt điện) trong đánh bắt thủy sản ngoài tự nhiên đã tận diệt cá lớn cá bé, cộng với việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức của người nông dân là một trong những nguyên nhân làm nguồn lợi thủy sản ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt dần.

Theo TBKTSG



Báo cáo phân tích thị trường