Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Từ vườn đến chợ, giá tăng chục lần
09 | 11 | 2011
Giá nhiều loại thực phẩm liên tục tăng cao dù nguyên liệu đầu vào không còn căng thẳng, thủ phạm chính là các thương lái.

Lớp trung gian này đã đẩy giá từ vùng sản xuất đến tay người tiêu dùng tăng gấp nhiều lần…

Nghịch lý là trong khi việc quản lý giá được siết ngay đầu vào, còn khâu vận chuyển, lưu thông lại thả nổi. Kết quả là nông dân vất vả sản xuất, người tiêu dùng chắt bóp tiêu thụ chẳng được hưởng lợi, mà lợi nhuận lại rơi vào lớp trung gian.

Chị Nguyễn Thị Minh, ngụ chung cư Ehome 1 (quận 9, TP HCM), chia sẻ: Có trong cuộc mới biết khâu lưu thông, phân phối “ăn dày” tới mức nào. Gia đình chị Minh trồng mãng cầu, bán tại vườn cho thương lái loại 1 với giá 6.500 đồng/kg, nhưng khi mua tại các sạp khu vực quận 9 thì giá đã đội gấp 7 - 8 lần (giá bán lẻ mãng cầu tại chợ là 45.000 đồng/kg). “Quãng đường từ Bình Thuận về TP HCM chưa tới 200 km, chẳng lẽ mỗi lần vận chuyển thương lái chỉ chuyển một vài kg hay sao mà ăn lãi tới mức khủng như vậy?”, chị Minh thắc mắc.

Còn chị Trần Hoài Phương, trú nhà số 374 Chu Văn An, phường 26 (quận Bình Thạnh), cho biết, qua báo đài, chị liên tục nghe thông tin giá heo hơi giảm 20.000 đồng/kg tại thời điểm này so với lúc giá heo hơi lên đến 65.000 đồng/kg. Nhưng trong khi người chăn nuôi lỗ nặng thì giá thịt heo bán ngoài chợ hằng ngày chị Phương mua vẫn giữ nguyên mức đỉnh, chỉ có một sạp công bố giảm 3.000 đồng/kg, nhưng khi có tin heo hơi tăng lại 1 – 2 giá hôm cuối tuần, giá loại thịt này ngay lập tức tăng lại...

Không nói đến những khoảng cách xa xôi, ngay TP HCM, những mặt hàng rau, củ, quả được trồng tại các quận, huyện ngoại thành luôn được bán với giá rất rẻ, nhưng khi đến các chợ trung tâm thì giá bị nâng giá lên gấp nhiều lần. Thật khó tin khi cải xanh trồng tại phường Thạnh Lộc (quận 12) bán tại chợ đầu mối Hóc Môn giá 2.500 đồng/bó, nhưng về đến chợ Gò Vấp cách đó khoảng 10 km, đã nhảy lên 10.000 đồng!

Thương lái ăn… dày

Để biết tường tận đường đi của những mặt hàng và quá trình đẩy giá nằm ở khâu nào, chúng tôi đến một số khu vực trồng rau tại các xã của huyện Bình Chánh, Hóc Môn, quận 12 (TP HCM) và chứng kiến tận mắt cảnh tiểu thương, thương lái ăn… quá dày. Đa phần những hộ trồng rau tại đây đều là người dân từ tỉnh Nam Định, Hà Nam… vào thuê lại đất để canh tác. Đầu mối trao đổi chính của những người này là chợ đầu mối Hóc Môn. Từ 16 - 21h hằng ngày, nhà vườn phải nhổ rau, nhặt sạch xếp thành bó và đóng lên xe chở tới chợ đầu mối. Đến lúc chợ bắt đầu họp (1 giờ), các nhà vườn chở rau đến bán lại cho thương lái tại chợ. Giá các loại rau hằng ngày sẽ được thương lái định tùy thuộc vào lượng hàng về chợ nhiều hay ít chứ không phải do người trồng rau đưa ra.

Theo chân anh Bội, quê Nghĩa Hưng, Nam Định, chúng tôi chứng kiến mỗi kg rau cải anh bán tại chợ chỉ 2.500 đồng cho thương lái, dù phải chở tận Bình Chánh sang. Nhưng chỉ gần 1 giờ sau, khi tiểu thương các chợ lẻ về lấy hàng, giá đã được thương lái tính ngay 5.000 đồng/kg. Và đến sáng sớm, có mặt tại các chợ lân cận như Gò Vấp, Tân Bình, chúng tôi chứng kiến người tiêu dùng phải mua loại rau trên với giá 10.000 đồng/kg. Tính sơ trong chuỗi giá trị một mặt hàng nhỏ này đã thấy, người trồng chỉ được hưởng 25% (chưa tính chi phí trồng, chăm sóc…), thương lái 25% và tiêu thương 50%!

Theo anh Bội, giá rau cải 2.500 đồng/kg đã là được, vì mấy bữa nay mưa ít, rau còn có giá. Chứ mùa mưa dầm, giá rau rẻ, có ngày dân trồng rau như anh chở cả xe ra chợ bán mà không đủ tiền đổ xăng bởi rau về chợ nhiều, thương lái ép giá tận cùng. Khi được hỏi có biết loại rau đó bán tại các chợ trong thành phố với giá cao hơn nhiều, anh nông dân này chỉ cười: “Ở cổng nhà tôi thương lái đã bán lại 4.000 đồng/kg”.

Theo Đăng Thư
Báo Đất việt


Báo cáo phân tích thị trường