Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xót xa nghề muối!
23 | 11 | 2011
Cách đây 5 năm, cả nước có gần 150.000ha đất ven biển chuyên sản xuất muối, sản lượng 1,2-1,4 triệu tấn/năm, nhưng đến nay chỉ còn 14.615ha, sản lượng năm 2011 dự kiến đạt 800.000 tấn. Trước thực trạng này, không ít người xót xa cho một lợi thế của đất nước có trên 3000km bờ biển.
Sản xuất èo uột
Chưa khi nào nghề muối rơi vào thảm cảnh như hiện nay. Từ chỗ đảm bảo việc làm cho hơn 1 triệu diêm dân, nay chỉ còn hơn 100.000 hộ bám trụ với nghề, diện tích đất làm muối giảm sút nghiêm trọng, chỉ bằng hơn 10% so với cách đây 5 năm.
Theo ông An Văn Khanh, Phó cục trưởng Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối (Bộ Nông nghiệp và PTNT), giá muối năm 2011 tăng so với năm 2010 đã góp phần giảm bớt khó khăn cho diêm dân. Tại miền Bắc, giá muối hiện dao động ở mức 900-1.300 đồng/kg, tăng 150 đồng/kg so với năm 2010; Duyên hải Nam Trung Bộ và Đông Nam Bộ là 350-800 đồng/kg... Mặc dù giá tăng song thời tiết không thuận lợi, thường xuyên có mưa xen kẽ ngày nắng nên năng suất muối không cao, ảnh hưởng đến thu nhập của diêm dân.
Dự kiến sản lượng muối cả năm 2011 đạt 800.000 tấn, cộng với 377.000 tấn tồn từ năm 2010, hoàn toàn có thể đáp ứng được nhu cầu, thế nhưng từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp đã nhập khẩu tới 152.000 tấn, khiến muối của diêm dân càng khó tiêu thụ.
Ông Bùi Anh Tuấn, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Ninh Thuận cho biết, mặc dù chất lượng muối công nghiệp của tỉnh được đánh giá là cao nhất cả nước nhưng theo tiêu chuẩn, muối công nghiệp của tỉnh mới đạt loại II. Riêng muối công nghiệp Tri Hải (áp dụng công nghệ phủ bạt che mưa ô kết tinh, kết tinh dài ngày) tương đương loại I, song việc tiêu thụ cũng không thuận lợi.
Trong kế hoạch sản xuất muối năm 2012 vừa được Bộ Nông nghiệp và PTNT đưa ra cũng cho thấy diện tích sản xuất muối tiếp tục giảm, từ 14.615ha (năm 2011) còn 14.040ha, sản lượng khoảng 1.461.900 tấn (bao gồm cả 187.500 tấn nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan), trong khi dự báo nhu cầu là 1.380.000 tấn. Như vậy, năm 2012 nước ta vẫn tiếp tục thừa muối và đời sống diêm dân khó có thể khá lên được.
Thiếu "nhạc trưởng"?
Nhiều người tâm huyết không khỏi xót xa khi thấy ngành muối ngày một trì trệ, trong khi ngành chức năng vẫn đưa ra những lý do "cũ rích" để giải thích cho tình trạng này như thiếu vốn, công nghệ lạc hậu, nhân lực yếu, thời tiết bất ổn...
Song có một lý do mà ít ai nhắc tới, đó là ngành muối đang thiếu một "nhạc trưởng". Có thể thấy rõ điều này qua công tác quản lý Nhà nước của ngành. Trong gần 60 năm, ngành muối đã phải chuyển qua 7 đơn vị chủ quản, từ Cục Công nghiệp muối trước kia, dần hạ xuống thành Tổng công ty Muối, rồi thành Chi nhánh muối thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc như hiện nay. Không còn doanh nghiệp đóng vai trò đứng mũi chịu sào, quản lý ngành giờ chỉ có vài cán bộ thuộc Cục Chế biến thương mại nông - lâm - thủy sản và nghề muối.
Ông Khanh thừa nhận, hiện tại sản xuất muối của nước ta vẫn chủ yếu theo phương thức cổ truyền do khoa học công nghệ còn thiếu và yếu. Việc đào tạo cán bộ kỹ thuật có trình độ chuyên môn cao cho ngành không được quan tâm. Trong nước có Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm Đà Nẵng và Trường Trung học Nghiệp vụ quản lý lương thực thực phẩm Đồ Sơn (Hải Dương) mở đào tạo trung cấp ngành muối nhưng hầu như không có thí sinh đăng ký học.
Tại hội nghị tổng kết công tác sản xuất kinh doanh muối năm 2011 vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Hồ Xuân Hùng, cựu Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã phải thốt lên rằng, nhiều năm nay ngành muối không được quan tâm. "Ngay cả Đề án cơ giới hóa nông nghiệp, sau khi được phê duyệt, chúng tôi mới phát hiện ra trong Đề án không có cụm từ nào nhắc đến nghề muối. Chúng tôi đã kiến nghị sửa đổi, nhưng rất mất thời gian, vì phải chờ lấy ý kiến thống nhất của nhiều bộ, ngành, rồi mới trình Chính phủ phê duyệt lại", ông Hùng nói.
Là một trong những người gắn bó với ngành muối, ông Lê Quang Thắng, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Chi nhánh muối (Tổng công ty Lương thực miền Bắc) nhấn mạnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT nên xây dựng đề án, trình Chính phủ cho thành lập Cục Phát triển muối trực thuộc Bộ trên cơ sở tổ chức và hoạt động như các cục quản lý chuyên ngành hiện nay. Đối với các địa phương có đồng muối lớn cần thành lập phòng muối (hoặc Chi cục phát triển muối khu vực) trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT.
Trước tình hình đời sống diêm dân trong cả nước đang khó khăn do giá muối xuống quá thấp, Chính phủ vừa cho phép Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt đề án thu mua muối của diêm dân để sản xuất muối i-ốt một cách ổn định...
Theo đề án mới, thay vì thu mua tạm trữ muối cho diêm dân mỗi khi rớt giá, Tổng công ty Lương thực miền Bắc làm đầu mối, liên kết với các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh muối trong cả nước, thu mua định kỳ mỗi năm khoảng 200.000 tấn muối với mức giá đảm bảo diêm dân có lãi 20-30%. Trên cơ sở đó, sẽ sản xuất khoảng 133.000 tấn muối i-ốt, trong đó cấp miễn phí 22.664 tấn cho người dân miền núi cả nước theo Quyết định số 102/2009/QĐ-TTg, còn lại bán ra thị trường, phục vụ nhu cầu tiêu dùng.
Theo KTNT


Báo cáo phân tích thị trường