Đây là xưởng sản xuất chiếu cói của xí nghiệp sản xuất Huy Hoàng, một trong những cơ sở sản xuất và phát triển chiếu cói của huyện Nga Sơn, Thanh Hóa. Được coi là một xí nghiệp phát triển tốt ngành nghề thủ công truyền thồng và biết khai thác tiềm năng về cói nhưng việc mở rộng thị trường và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm thì nhiều năm nay vẫn chưa làm được.
Ông Dương Đình Dịu – Giám đốc xí nghiệp Huy Hoàng vẫn trăn trở việc áp dụng công nghệ sản xuất chiếu cói từ trước tới nay vẫn mang tính thủ công, năng suất không cao và không đáp ứng được thị trường châu Âu.
Ông nói: “ Theo nhận xét của tôi thì thị trường Trung Quốc hiện nay vẫn là một thị trường dễ tính chứ không khó tính, tất cả các hàng xấu hay đẹp, họ đều mua, nhưng sang đó, họ chế biến theo công nghệ của họ thì lại thành đẹp. Như vậy thể hiện tính yếu kém công nghệ mà mình chưa có. Chẳng hạn như làm cho tấm thảm trắng hơn, đẹp ra.”
Đây là những chiếc guồng đây, một thứ không thể thiếu từ trước tới nay trong sản xuất chiếu cói. Từ bao năm nay, những chiếc guồng này đã rất gắn bó với những người ở đây. Biết rằng việc đổi mới công nghệ rất quan trọng nhưng xí nghiệp Huy Hoàng vẫn không thể làm được. Và làm sao để thay những chiếc guồng đay thủ công này bằng những thiết bị máy móc vẫn là vấn đề mà ông Dịu trăn trở từ nhiều năm nay. Mặc dù có đủ khả năng về vốn, nhưng có một lý do mà ông Dịu đưa ra thật đơn giản, đó là không có ngoại ngữ để giao tiếp.
Ông nói: “Bây giờ muốn vươn ra thị trường châu Âu chẳng hạn thì đòi hỏi phải có đổi mới công nghệ. Mà tầm đổi mới công nghệ như doanh nghiệp chúng tôi là rất khó. Thứ nhất, muốn quan hệ với đối tác nước ngoài thì mình phải có ngoại ngữ, thực chất thì doanh nghiệp nhà quê chúng tôi không biết ngoại ngữ, điều này là khó khăn chung của các doanh nghiệp nông nghiệp. Nếu bây giờ có thể vươn ra được thị trường châu Âu chẳng hạn thì giá trị cây cói được tăng lê rất nhiều. Nhưng hiện nay, chúng tôi mới chỉ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc, chủ yếu là nguyên liệu, và 70% lượng cói của Nga Sơn là xuất sang đó.”
Chiếc máy ép cói này là công nghệ duy nhất của xí nghiệp Huy Hoàng nhưng nó lại không giúp cho sản phẩm có giá trị cao hơn. Cùng với những thay đổi tích cực của ngành nghề thủ công truyền thống thì việc áp dụng khoa học công nghệ cũng là một vấn đề nan giải. Xí nghiệp chiếu cói này biết chủ động trong vấn đề về vốn, cơ sở hạ tầng nhưng thiếu bàn tay hỗ trợ của các nhà khoa học, mà có thì sự liên kết cũng chưa thực sự bền chặt.
Theo Sở NN&PTNT Thanh Hóa, hiện trong địa bàn tỉnh có hơn 1.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, chiếm 30% số lượng doanh nghiệp trên địa bàn, nhưng việc đổi mới khoa học công nghệ trong sản xuất là chưa nhiều. Theo ông Lê Bá Luyến – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa thì tỉnh rất khuyến khích các doanh nghiệp đổi mới công nghệ, còn làm được hay không thì các doanh nghiệp phải chủ động.
Ông nói: “Tôi thấy rằng việc thay đổi khoa học công nghệ trong sản xuất của doanh nghiệp nông nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Vấn đề năng suất và hiệu quả cao trong sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào đổi mới công nghệ. Qua đó thấy rằng, vấn đề thay đổi khoa học công nghệ trong sản xuất đóng vai trò hết sức quan trọng trong sự phát triển của doanh nghiệp. Và có đổi mới được thì mới cạnh tranh được. Thực tế hiện nay, doah nghiệp nào chịu khó đổi mới khoa học công nghệ thì sản xuất ngày càng phát triển, và xu thế phát triển rất rõ ràng. Ngươc lại, doanh nghiệp nào không chịu đầu tư đổi mới khoa học công nghệ thì chỉ dừng lại ở mức đó thôi, không có sự vươn lên trong sản xuất. Như vậy thấy rằng, trong thực tế cũng như lý thuyết thì vai trò đổi mới khoa học công nghệ là hết sức cần thiết.”
Agroinfo – InvestTV