Theo ông Võ Tấn Dũng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại - Vận tải Phan Thành (Cần Thơ), trước khó khăn chung của nền kinh tế, DN nào cũng bị ảnh hưởng. Ông Dũng nói: "Tác động của lạm phát, chính sách thắt chặt tiền tệ của Chính phủ, lãi suất cho vay ở mức cao... khiến tình hình sản xuất, kinh doanh của chúng tôi bị ảnh hưởng đáng kể, doanh thu giảm khoảng 10% do sức tiêu thụ của thị trường giảm, sản lượng giảm khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn không cắt giảm đầu tư hoặc có cắt giảm cũng rất ít, đồng thời đưa ra nhiều phương pháp điều hành linh hoạt, nâng cao chất lượng sản phẩm".
Ông Dũng cho rằng, tuy khó khăn rất nhiều nhưng DN vẫn có thể vượt qua được nếu biết cách nắm bắt nhu cầu thị trường và thị hiếu người tiêu dùng để tập trung sản xuất các sản phẩm mới, có tính cạnh tranh cao. Hiện, Phan Thành đang đầu tư sản xuất sản phẩm sạch, thân thiện với môi trường, song yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người, DN tồn tại và hơn nhau ở chỗ đào tạo được đội ngũ nhân viên, lao động thạo việc, có nhiều sáng tạo để đưa "chất xám" vào sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Hào, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.Cần Thơ (CBA) cho biết: "Trong tổng số 201 DN của CBA đã có 6 DN xin giải thể, một số hoạt động cầm chừng, chuyển đi nơi khác, hoặc cố gắng chống đỡ để tồn tại. Tuy nhiên, vẫn có nhiều DN không ngừng nỗ lực, tái cơ cấu một số khâu yếu kém trong sản xuất, kinh doanh để trụ lại trong gian khó". Nhiều DN thường xuyên trao đổi thông tin về thị trường, hoạt động sản xuất và hỗ trợ nhau xoay vòng vốn, trao đổi hàng hóa với DN bạn để tiết kiệm chi phí.
Các chuyên gia phân tích, lãi suất cho vay của các ngân hàng lên đến trên 20%/năm, đồng nghĩa với việc DN rất vất vả trong sản xuất, kinh doanh và phải mất ít nhất 3-4 năm mới mong thu hồi vốn. Nếu tình trạng này kéo dài và không có chính sách hỗ trợ thiết thực thì chắc chắn nhiều DN sẽ tiếp tục lao dốc. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để DN tự nhìn lại mình và cơ cấu lại bộ máy của đơn vị cho phù hợp. DN muốn vượt thách thức, giữ vững tay chèo thì chính họ phải luôn vận động, phát huy sự sáng tạo.
Sau khi Chính phủ tiến hành đồng bộ nhiều gói giải pháp để kiềm chế lạm phát như siết chặt tiền tệ, hạn chế đầu tư công, bình ổn lãi suất, tình hình kinh tế của Việt Nam đã dần ổn định. Tuy nhiên, các giải pháp đó cũng gây tác dụng phụ, làm ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ.
Bên cạnh sự nỗ lực của bản thân, cộng đồng DN cũng rất cần sự đồng hành, chia sẻ khó khăn từ phía ngân hàng và những chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định giãn thuế cho DN một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động, có hiệu lực từ 30/11/2011, hy vọng điều này sẽ góp phần gỡ khó cho DN, giúp họ vững vàng vượt qua "bão" suy thoái kinh tế.
Để trụ lại trên thị trường và chờ cơ hội bứt phá, DN buộc phải cắt giảm tối đa những chi phí không cần thiết, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhưng quan trọng hơn là tìm kiếm những giải pháp tài chính nhằm xoay vòng vốn nhanh và sinh lợi tối đa. Trước nhu cầu này, Ngân hàng Thương mại cổ phần (NHTMCP) Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) đã giới thiệu gói sản phẩm VP Business, bao gồm tài khoản VP Business, dịch vụ Internet Banking, SMS Banking và dịch vụ trả lương qua tài khoản của VPBank. Sử dụng gói sản phẩm này, DN sẽ được hưởng ưu đãi về lãi suất vay vốn và phí cấp tín dụng, lãi suất không kỳ hạn cạnh tranh nhất trên thị trường, đồng thời hưởng trọn gói các tiện ích hiệu quả, an toàn và thuận tiện từ các dịch vụ ngân hàng tự động của VPBank. VPBank sẽ miễn giảm phí sử dụng tài khoản VPBusiness, trả lương qua tài khoản, SMS Banking, Internet Banking từ nay đến ngày 31/12.
Đáp ứng tối đa nhu cầu và gia tăng tiện ích cho khách hàng, NHTMCP Sài Gòn (SCB) đã ra đời "tài khoản đầu tư thông minh", áp dụng cho tổ chức, DN có tài khoản tiền gửi thanh toán không kỳ hạn bằng VND. Theo đó, mọi giao dịch đều được tự động thông qua tài khoản tiền gửi thanh toán của DN mở tại SCB. Nếu số dư cuối mỗi ngày trên tài khoản tiền gửi thanh toán vượt mức sàn quy định thì phần tiền vượt sàn, tối thiểu 50 triệu đồng được tự động chuyển sang tài khoản đầu tư thông minh để hưởng lãi suất có kỳ hạn, do DN đăng ký trước. DN có thể rút một phần hoặc toàn bộ vốn từ các tài khoản đầu tư thông minh bất cứ khi nào có nhu cầu.
Có thể nói đây là những giải pháp tài chính giúp DN có thể sử dụng tối đa cơ hội sinh lời trên dòng tiền giao dịch mà không cần lưu vốn, đầu tư dưới bất kỳ hình thức nào, vừa an toàn, vừa hiệu quả.
2011 là năm đầy khó khăn của các doanh nghiệp (DN), thậm chí do sức ép lạm phát, chi phí đầu vào tăng, lãi suất ngân hàng cao, một số DN phải rời "cuộc chơi" vì nội lực yếu. Tuy nhiên, nhiều DN cho rằng, trong khó khăn không phải không có cơ hội, điều quan trọng là phải chủ động nắm bắt tình hình để lái "con thuyền" vượt sóng gió.
Tổng hợp