Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp café gặp khó
23 | 12 | 2011
Ngày 7/10/2011 Bộ NN-PTNT đã có Công văn số 290/BNN-CB gửi Bộ Công Thương về việc kinh doanh cà phê có điều kiện. Theo đó, đây được xem là vấn đề cấp thiết và khả thi trong điều kiện hiện nay.
Các đối tượng tham gia sản xuất kinh doanh và xuất khẩu cà phê của Việt Nam gồm doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, về chế biến và xuất khẩu cà phê. Điều kiện để tham gia kinh doanh cà phê có điều kiện là doanh nghiệp đó phải có ít nhất 1 cơ sở chế biến cà phê nhân, có kho chứa phù hợp với quy chuẩn QCVN 01:06/2009/BNNPTNT, điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm… và đặc biệt là đã tham gia chế biến, xuất khẩu cà phê trong 2 năm liên tiếp với lượng cà phê xuất khẩu tối thiểu 5.000 tấn/năm.
Trong khi các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu cà phê đang gặp khó khăn về vốn vay, lãi suất ngân hàng, thị trường tiêu thụ… thì hiện nay, trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đăk Lăk nói riêng, người trồng cà phê vẫn giữ tâm lý “găm hàng” chờ giá, khiến các doanh nghiệp này hạn chế việc thu gom tập trung nông sản để phục vụ chế biến xuất khẩu…
Những ngày qua mặc dù giá cà phê nhân đang có chiều hướng tăng (cách đây một tháng, giá cà phê khoảng 37.000 đồng/kg nhân, nhưng hiện tại đã tăng lên trên 40.000 đồng/kg nhân), song, việc người dân chưa bán cà phê đồng loạt mà tạm trữ tại nhà khá nhiều để chờ tăng giá đã khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê (cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài) gặp khó khăn vì không mua được hàng phục vụ xuất khẩu. Ông Nguyễn Nam Hải, Tổng giám đốc Công ty Cafecontrol cho biết, những năm trước đây, ngay từ đầu vụ cà phê, người dân đã đồng loạt bán cà phê, khiến có thời điểm giá cà phê rớt giá mạnh, nhiều doanh nghiệp phải đề xuất với Nhà nước mua tạm trữ cà phê để giữ giá, nhưng chỉ mua được phần nào mà thôi. Nhưng năm nay, người dân trữ cà phê tại nhà là một tín hiệu đáng mừng, điều này sẽ giữ cho giá cà phê không đi xuống. Việc người dân không bán cà phê từ đầu vụ cho thấy họ đã ý thức được rằng, việc trữ cà phê tại nhà sẽ giúp giữ giá cà phê ổn định ở mức cao. Vấn đề đặt ra là, hiện tại người dân làm cà phê ở Tây Nguyên mới chỉ thu hoạch được khoảng 55% sản lượng cả vụ. Nếu họ cứ tiếp tục “găm hàng”, nhiều khả năng sẽ dẫn đến tình trạng cạnh tranh gay gắt trong thu mua cà phê giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Và khi điều này xảy ra, sẽ đẩy giá cà phê lên mức cao hơn nữa, và người nông dân sẽ được hưởng lợi.
Ông Lê Đức Thống, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV XNK cà phê 2- 9 Đăk Lăk (thuộc tập đoàn Simexco Việt Nam) cho biết, khó khăn nhất của doanh nghiệp thu mua cà phê xuất khẩu trong nước là về vốn vay. Hiện, Công ty ông vẫn đang phải vay vốn tại các Ngân hàng với lãi suất từ 17- 19%/năm. Trong khi doanh nghiệp nước ngoài theo ông được biết thì vốn vay chỉ phải trả lãi từ 2,5- 3%/năm. Mặt khác, các doanh nghiệp nước ngoài khi đặt thị trường tại Việt Nam phần lớn là Công ty lớn hay tập đoàn mạnh, còn các Công ty trong nước thường thua thiệt hơn bởi vốn vay hạn hẹp, lãi suất trả cao, đã có nhiều doanh nghiệp trong nước vừa qua không thể trụ vững. Cũng theo ông Thống: nếu áp dụng đồng loạt, hiệu quả và tạo điều kiện hết mức cho doanh nghiệp trong nước để thực hiện quy định “xuất khẩu cà phê có điều kiện” mới có thành công, và cà phê Việt Nam sẽ phát triển mạnh hơn nữa theo phương thức xuất khẩu trực tiếp đến người tiêu dùng trên thế giới chứ không cần qua khâu trung gian là xuất khẩu đến các doanh nghiệp rang say cà phê nước ngoài như hiện nay.
Theo ý kiến của Hiệp hội cà phê Buôn Ma Thuột, quy định về xuất khẩu cà phê có điều kiện được thực hiện sẽ góp phần quản lý chặt chẽ hơn việc sản xuất cà phê của các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Trong trường hợp các doanh nghiệp không đủ điều kiện về vốn cũng như thị trường xuất khẩu sẽ tự liên kết với nhau, tạo thành những doanh nghiệp lớn hơn, cùng góp sức, vốn tạo nên những bước đột phá trên thị trường cà phê thế giới, hơn là xuất khẩu nhỏ lẻ, cạnh tranh theo chiều hướng “gà nhà đá nhau”. Đồng thời khi hợp nhất các doanh nghiệp, có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước và thanh kiểm tra chất lượng bảo đảm trước khi xuất khẩu sẽ đem lại chất lượng cà phê Việt Nam cao hơn, từ đó sẽ khẳng định được thương hiệu cà phê Việt Nam trên trường quốc tế.
Tổng hợp


Báo cáo phân tích thị trường