Ông Đặng Đình Bình – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình: “Tâm lý của người dân là rất muốn giữ lại đất nông nghiệp mặc dù mảnh đất đó không phải là nguồn thu nhập chính cho họ. Tâm lý họ muốn giữ lại mảnh đất cho con cháu hay cho người khác làm, thậm chí không cần lấy bất kỳ lợi nhuận gì trên mảnh đất đó như là cho mượn, tâm lý người dân không muốn tích dần ruộng đất cho người khác.”
Chủ trương tích tụ ruộng đất đã được thông qua Nghị quyết Trung ương VII về Tam nông (nông nghiệp – nông thôn – nông dân), đặc biệt nhấn mạnh đến lợi ích của người nông dân trong chủ trương này, bởi ruộng đất là tư liệu sản xuất vô cùng quý giá đối với người nông dân. Tuy nhiên, ruộng đất sẽ không còn quan trọng nếu như họ bán, tức là chuyển quyền sử dụng đất cho người khác.
Ông Vũ Trọng Bình – Phó Viện trưởng IPSARD: “Nếu như lao động rút ra khỏi nông nghiệp thì điều kiện tích tụ ruộng đất sẽ cao hơn. Nếu chúng ta tích tụ ruộng đất một cách cơ học hoặc thị trường mà người dân bị loại ra khỏi quá trình phát triển nông nghiệp nông thôn thì chúng ta sẽ có một nền nông nghiệp phát triển hiện đại nhưng chúng ta không thể có được một nông thôn hiện đại. Và vấn đề chính là vấn đề nông dân sẽ không phát triển được, như vậy Nghị quyết Tam nông cũng không thực hiện được đúng theo tinh thần của Nghị quyết.”
Ông Lê Đức Thịnh – Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn: “Khi tích tụ ruộng đất thì đương nhiên sẽ có một bộ phận lao động nông thôn phải bỏ ruộng đất. Thì không có cách nào khác, chúng ta phải đào tạo số lao động đó để chuyển đổi nghề để kéo họ ra khỏi khu vực nông thôn.”
Có 2 loại hình mà các địa phương có thể dừng làm căn cứ để đưa ra cách giải quyết cho lao động nông thôn tại địa phương. Loại thứ nhất, trên cơ sở các xã viên say mê với đồng ruộng, vẫn tự nguyện phấn đấu trở thành công dân nông nghiệp trên cơ sở đào tạo thực tế. Loại thứ hai, thử nghiệm tại nơi mà nông dân muốn chuyển đổi sang ngành nghề khác, thì họ sẽ tự chuyển đổi quyền sử dụng đất. Cách làm này đã có trong thực tiễn bằng hình thức trang trại tư nhân và cần được đánh giá hiệu quả kịp thời để có những chính sách hỗ trợ phù hợp.
Ông Nguyễn Văn Phóng – Giám đốc Sở NN&PTNT Hưng Yên: “Trong thời gian qua cũng đã xuất hiện một số mô hình, các doanh nghiệp ký hợp đồng thuê mua đất, đầu tư vật tư,giống, phân bón, kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân theo giá thỏa thuận; việc thuê đất cũng cần có sự thỏa thuận giữa bà con nông dân và doanh nghiệp, có nhà cho thuê 3 – 5 năm hoạc lâu hơn nữa. Rõ rang đây là một mô hình rất là tốt, sắp tới cần được nhân rộng.”
Ông Đặng Đình Bình – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thái Bình: “Thứ nhất, số lao động còn lại trong nông nghiệp, chúng tôi cần phải trang bị cho họ một số kiến thức, trình độ sản xuất nông nghiệp cần phải ở trình độ cao hơn, quy trình công nghệ cao. Chăn nuôi không còn chăn nuôi gia trại nữa mà chuyển sang trang trại, gia trại. Mỗi một gia trại chăn nuôi có hơn 10 con lợn. Một trang trại chăn nuôi lớn cần có một số lượng lao động thường xuyên nhất định, và chăn nuôi phải có kỹ thuật khi có vài nghìn con. Vì thế, kiến thức chăn nuôi, sản xuất cho người lao động cần phải được tiếp cận tập huân và học hành bài bản thì người ta mới thực hiện được.”
Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai năm 2003. Qua đó, việc hạn sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao được dự thảo theo hướng sử dụng đất lâu dài. Theo hướng đó, việc tích tụ ruộng đất hy vọng sẽ được thực hiện theo cơ chế mở hơn và hoàn thiện hơn nữa. Tuy nhiên không thể tích tụ ruộng đất một cách tự phát, mà phải có sự can thiệp của Nhà nước, bảo đảm việc tích tụ có hạn điền phù hợp để vừa khuyến khích phát triển trang trại và sản xuất hàng hóa lớn, vừa đảm bảo cho những người nông dân không phải vào các nhà máy, xí nghiệp vẫn có đất để sản xuất.
Để đứng vững và phát triển trong môi trường cạnh tranh toàn cầu, chúng ta phải thay đổi từ một nền nông nghiệp tự cấp tự túc sang một nền nông nghiệp hàng hóa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và xuất khẩu. Để thực hiện được việc tích tụ đất đai, Luật Đất đai sửa đổi lần này cần tạo được nhiều đột phá như giao đất lâu dài, cho chuyển nhượng tự do, không bán thì cho thuê, bỏ quy định hạn điền, đồng thời tránh tình trạng đất thừa kế bị thu nhỏ do có nhiều thế hệ. Đây sẽ là bài toán không hề đơn giản với cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người nông dân.
Thưa quý vị và các bạn, khủng hoảng lao động nông thôn là câu chuyện cấp thiết cần giải quyết kịp thời. Những mô hình nông dân sáng tạo, tạo việc làm mới như ở Hòa Bình và Hưng Yên cũng chỉ là một vài điểm sáng nho nhỏ. Nếu Nhà nước không có chính sách hỗ trợ kịp thời cho giải quyết lao động nông thôn thì hệ lụy của nó sẽ rất lớn và bộ mặt nông thôn sẽ là bức tranh tối màu, khi mà người nông dân không còn lao động trên mảnh ruộng của mình.
AGROINFO