Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giảm thuế chống bán phá giá cá tra: Chưa vội mừng
12 | 03 | 2012
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa công bố kết quả đợt xem xét hành chính lần 7 (POR7) đối với cá tra Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ giai đoạn 1/8/2009 đến 31/7/2010.
Trong đợt xem xét này, DOC đã lấy Bangladesh làm quốc gia thay thế duy nhất để tính toán biên độ phá giá.
 
Theo quyết định của DOC, Công ty CP Vĩnh Hoàn có mức thuế 0%. Với mức thuế 0% trong kết quả lần này, cùng với kết quả của hai lần xem xét trước (POR 5 và POR 6), Vĩnh Hoàn là công ty duy nhất có 3 năm liên tiếp có mức thuế suất 0% và có cơ hội được xem xét thoát khỏi vụ kiện chống bán phá giá của Mỹ. Ngoài Vĩnh Hoàn, 12 công ty là bị đơn bắt buộc của đợt xem xét lần này có mức thuế khoảng 3 cent/kg (0,03 USD/kg), và mức thuế chung cho các công ty khác của Việt Nam là 2,11 USD/kg.
 
Theo bà Tô Thị Tường Lan, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Xuất khẩu thủy sản Việt Nam: Trước đó, trong quyết định sơ bộ, DOC đã sử dụng các số liệu của Philippines và Indonesia làm quốc gia thay thế để tính các chi phí giá thành sản xuất cá tra Việt Nam và mức thuế dự định áp dụng đối với các bị đơn bắt buộc của Việt Nam là 15% (khoảng 0,56 USD/kg). Việc DOC chỉ lấy Bangladesh làm quốc gia thay thế tính toán biên độ phá giá là kết quả của nhiều nỗ lực hoạt động đấu tranh lâu dài của các doanh nghiệp, bộ ngành Việt Nam với phía Mỹ. Việc được giảm thuế chống bán phá giá mặt hàng này sẽ tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu cá tra thị trường Mỹ và các thị trường truyền thống khác. Trong 2 tháng đầu năm 2012, kim ngạch xuất khẩu cá tra đạt 290 triệu USD, riêng thị trường Mỹ chiếm tới 28% giá trị.
 
Mặc dù đã giành được những thắng lợi nhất định trong việc chống bán phá giá cho mặt hàng này, nhưng không vì thế mà doanh nghiệp có thể vui mừng. Bởi đây mới chỉ là quyết định POR 7, áp mức thuế sơ bộ cho cá tra xuất khẩu giai đoạn 1/8/2009 đến 31/7/2010. Trong thời gian tới DOC sẽ còn có nhiều đợt xét hành chính cho POR 8, POR 9… điều đó cho thấy mặt hàng này vẫn có thể bị áp thuế chống bán phá giá nếu không có sự chuẩn bị đối phó kỹ.
 
Tại hội nghị tham tán thương mại cuối năm 2011, ông Đào Trần Nhân, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ cho rằng: Để hạn chế việc áp thuế chống bán phá giá, trong thời gian tới, các doanh nghiệp thủy sản không nên đưa giá hàng hóa xuống quá thấp rất dễ bị quy vào việc bán phá giá. Ngoài ra, cần đẩy mạnh xuất khẩu hàng chất lượng cao và duy trì một mặt bằng giá mà khách hàng có thể chấp nhận được từ đó tránh các vụ kiện hỗ trợ của Nhà nước qua giá. Trong hoạt động xuất khẩu cần chuẩn bị, lưu giữ đầy đủ các loại giấy tờ liên quan đến chất lượng, giá thành sản xuất, xuất xứ hàng hóa… từ đó chứng minh hàng xuất khẩu không bán dưới giá thành sản xuất.


Theo Kinh tế & Đô thị
Báo cáo phân tích thị trường