Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cà phê sạch - Lối đi cho cà phê Việt hậu WTO
31 | 08 | 2007
Chất lượng hàng nông sản là vấn đề rất được quan tâm khi Việt Nam gia nhập WTO. Với mục tiêu nâng cao chất lượng sản phẩm, nhiều doanh nghiệp cà phê ở Dak Lak đã đăng ký tham gia chương trình sản xuất và cung ứng cà phê sạch (UTZ Kapeh).
Không chỉ là vấn đề chất lượng, đây còn là việc thay đổi thói quen canh tác của người trồng cà phê, áp dụng những kỹ thuật sản xuất mới đáp ứng các yêu cầu thân thiện với môi trường, bền vững về mặt xã hội và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sản xuất cà phê theo Chương trình UTZ Kapeh mà bà con nông dân vẫn gọi nôm na là cà phê U-tê-zét nghĩa là phải tuân thủ chặt chẽ theo một quy trình kỹ thuật đã được nghiên cứu từ bón phân, tưới nước, phun thuốc trừ sâu cho đến thu hoạch. Và khi chăm sóc cà phê theo kiểu mới này, bà con sẽ tiết kiệm được khoảng 30% kinh phí đầu tư so với trước đây.

Theo ông Cao Văn Hiền, xã Cư Né, huyện Krông Păk, ĐăkLăk, trước đây chúng tôi làm cà phê, việc phun thuốc trừ sâu là phun đại trà. Nhưng hai năm gần đây khi thực hiện chương trình UTZ, chúng tôi hạn chế lại, chỉ phun theo từng cây nên vườn cây của chúng tôi đi lên và sản lượng cao hơn.

Giảm kinh phí đầu tư nhưng vẫn đảm bảo được năng suất, sản lượng và chất lượng vườn cây là điều những người trồng cà phê ở tỉnh ĐăkLăk đã ứng nghiệm khi tham gia chương trình cà phê sạch U-tê-zet. Sản phẩm cà phê được UTZ Kapeh chứng nhận được mua với giá cao hơn 40USD/tấn so với giá sàn. Hiện nay ĐăkLăk đã có 6 doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cà phê tham gia vào chương trình này với khoảng trên 7.000 tấn cà phê được UTZ Kapeh cấp chứng nhận.

Theo ông Trần Minh Thụy, Giám đốc công ty Cà phê Phước An, ĐăkLăk: Việt Nam đang hội nhập quốc tế và đang đưa sản phẩm cà phê Việt Nam đến các thị trường quốc tế với yêu cầu chất lượng phải cao hơn, tốt hơn... nên 4 năm nay tôi tập trung nâng cao chất lượng cà phê đạt tiêu chuẩn quốc tế theo chương trình cà phê UTZ.

Để bắt đầu, cái khó nhất chính là thay đổi tập quán canh tác của người trồng cà phê. Việc hướng dẫn, theo dõi thường xuyên để nông dân tuân thủ nghiêm ngặt những kỹ thuật sản xuất mới cũng đòi hỏi nhiều thời gian công sức.

Vấn đề là làm thế nào nâng cao nhận thức cho người làm cà phê, giúp họ thấy được việc sản xuất cà phê sạch có ý nghĩa quan trọng khi mục tiêu chúng ta đang hướng đến là thực hành canh tác cà phê có trách nhiệm với môi trường, xã hội và đảm bảo được chất lượng sản phẩm. Đây cũng là xu hướng tất yếu của ngành cà phê nước ta khi tham gia vào thị trường quốc tế.



Theo Vicofa
Báo cáo phân tích thị trường