Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bắc Ninh dồn sức chống hạn
11 | 09 | 2007
Cũng như những địa phương ở khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, Bắc Ninh đang phải đối mặt tình trạng khô hạn và khó khăn về nguồn nước tưới trong vụ đông xuân. Đất ải ở đây đang khô nỏ; nhiều hồ, đầm đã cạn kiệt nước.
Vụ đông xuân năm nay, tỉnh Bắc Ninh có kế hoạch gieo cấy 39 nghìn ha lúa, ngoài 598 ha làm dầm và trồng rau màu vụ đông, diện tích đất còn lại đều để ải, cho nên khi đổ ải cần một lượng nước rất lớn. Ðồng đất ở Bắc Ninh được tưới chủ yếu bằng hai hệ thống thủy lợi chính là Bắc Ðuống và Nam Ðuống. Ðây là những hệ thống thủy lợi lớn tưới bằng động lực, được xây dựng từ đầu những năm 60 thế kỷ trước, có các tuyến kênh chính dài vài chục km, cho nên rất khó khăn cho việc điều tiết để lấy nước nhanh.

Phó Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Bắc Ðuống Nguyễn Văn Quế cho biết: Việc điều tiết và xả nước của các hồ Hòa Bình, Thác Bà, Tuyên Quang trong những ngày qua rất thuận lợi cho việc lấy nguồn nước tưới. Nhưng từ cửa cống lấy nước Long Tửu trên sông Ðuống phải qua kênh dẫn dài 12 km mới về đến bể hút của trạm bơm Trịnh Xá (công trình đầu mối của hệ thống) bơm nước để tưới cho gần 18 nghìn ha, vùng xa nhất cách trạm bơm hơn 20 km cần một thời gian khá dài. Mặt khác, máy móc đã quá cũ, công suất bơm giảm khoảng 20%, lại hư hỏng luôn, kênh dẫn không đủ kinh phí nạo vét, cho nên việc lấy nước nhanh và bơm nước thường không bảo đảm theo yêu cầu thiết kế.

Chiều 22-1, mặc dù mới đổ ải được 3.100 ha nhưng trạm bơm Trịnh Xá vẫn phải ngừng hoạt động để kênh dẫn đưa nước vào sông Ngũ Huyện Khê cho các trạm bơm ven sông lấy nguồn nước tưới cho các xã đang rất khó khăn về nước thuộc ba huyện Yên Phong, Từ Sơn, Tiên Du. Sông Ngũ Huyện Khê rộng và dài tới 37 km có nhiệm vụ tiêu là chính, nhưng trong vụ đông xuân tuyến sông này được sử dụng như một hồ chứa nước chống hạn cho cả vùng. Ðể hỗ trợ trạm bơm Trịnh Xá, những ngày vừa qua triều cường, mức nước sông Cầu lên cao, trạm bơm Kim Ðôi liên tục chạy hai, ba máy để đưa nước tưới cho vùng cuối kênh Nam thuộc huyện Quế Võ, cho nên đã đẩy nhanh được tiến độ đưa nước đổ ải cho toàn hệ thống.

Về vùng phía nam sông Ðuống, nơi toàn bộ diện tích canh tác thuộc ba huyện Thuận Thành, Gia Bình, Lương Tài của Bắc Ninh nằm trong khu vực tưới tiêu của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải, chúng tôi lại thấy có những khó khăn riêng.

Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi Nam Ðuống Nguyễn Thị Hoài cho biết: Ðây là vùng thường xuyên khó khăn về nước của hệ thống thủy nông Bắc Hưng Hải. Nguồn nước tưới được lấy từ cống Xuân Quan qua sông Ðình Dù về đến trạm bơm Như Quỳnh. Kênh tưới chính của trạm bơm phải dẫn dài hơn 40 km, rất khó để đáp ứng yêu cầu về nước theo yêu cầu sản xuất của nông dân. Lường trước khó khăn về nguồn nước, về máy móc thiết bị, công ty đã chủ động cho vận hành trạm bơm Như Quỳnh từ ngày 5-1 đến ngày 15-2 phải căn bản hoàn thành việc đưa nước đổ ải cho 14.700 ha. Công ty huy động cao độ lực lượng cán bộ, công nhân tập trung cho đưa nước đổ ải, phục vụ gieo cấy đúng tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Tất cả các trạm bơm trong hệ thống đều huy động ở mức cao nhất năng lực và điều kiện nguồn nước để bơm tưới trên tinh thần càng nhanh càng tốt, nơi nào có điều kiện tranh thủ trữ nước dành cho chống hạn và tưới dưỡng lúa. Ðể giảm bớt khó khăn cho vùng cuối kênh chính, công ty đã lấy nước từ sông Thái Bình dẫn về trạm bơm Kênh Vàng đang lắp đặt tạm 14 máy loại công suất 1.000 m3/giờ để bơm tưới cho các xã Cao Ðức, Vạn Ninh (huyện Gia Bình), Trung Kênh, Lai Hạ, Mỹ Hương, An Thịnh (Lương Tài).

Anh Nguyễn Văn Phong, công nhân vận hành máy bơm cho biết: Từ đầu tháng 1 đến nay, trạm bơm tận dụng nguồn nước để bơm tưới. Lúc nước vào nhiều nhất có thể chạy được 10 máy, lúc thấp cũng được 5-7 máy. Lượng nước vào không đủ chủ yếu là kênh bị bồi lắng quá nhiều. Cho đến ngày 23-1, hơn bốn nghìn ha trong hệ thống đã có nước đổ ải; trong đó huyện Gia Bình, nhờ có trạm bơm Môn Quảng vừa được nâng cấp lại có nguồn nước sông Ðuống cao, cho nên đã có nước được khoảng 50% diện tích.

Theo Giám đốc Nguyễn Thị Hoài, công ty sẽ cố gắng hoàn thành đưa nước cho huyện Gia Bình vào đầu tháng 2 để các trạm bơm tập trung đưa nước cho huyện Thuận Thành, nơi đang khó khăn nhất về nước trong hệ thống.

Ðây là vụ đông xuân thứ tư các tỉnh phía bắc liên tiếp xảy ra tình trạng khó khăn về nguồn nước tưới. Các địa phương, các công ty khai thác công trình thủy lợi đã có nhiều kinh nghiệm trong việc đưa nước đổ ải, chống hạn. Việc phối hợp xả nước phục vụ gieo cấy của các ngành điện lực, thủy lợi, nông nghiệp ngày một hiệu quả.

Tuy nhiên, theo chúng tôi, việc đưa nước đổ ải phải được thực hiện nhịp nhàng, đồng bộ với làm đất và gieo cấy trong khung thời vụ tốt nhất mới có hiệu quả thiết thực, tiết kiệm được nguồn nước, nguồn điện trong chi phí sản xuất. Nhấn mạnh điều này, bởi chúng tôi thấy nhiều khu đồng đã có nước nhưng chưa thấy làm đất và gieo cấy khởi động.

Tin, bài liên quan:

Bộ Nông nghiệp và PTNT bổ sung 21 tỷ đồng cứu vụ đông xuân bắc bộ

Chủ động chống hạn vụ đông xuân 2006-2007

Đầu năm 2007: Thiếu nước, khô hạn trên diện rộng



Nhân dân
Báo cáo phân tích thị trường