Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sản xuất rau tại thành phố Buôn Mê Thuột
07 | 12 | 2012
Diện tích gieo trồng rau các loại hàng năm của tỉnh Đăk Lăk trên dưới 8000 ha, với sản lượng gần 130 nghìn tấn rau, ước tính tổng sản lượng rau của toàn tỉnh mới chỉ đáp ứng dưới 70 % nhu cầu sử dụng tối thiểu cho nhân dân trong tỉnh (trong đó tỷ lệ rau sản xuất theo hướng an toàn chiếm rất thấp), hơn 30% lượng rau cần tiêu thụ buộc phải nhập từ các vùng miền khác cũng chưa hề qua kiểm tra phân tích, chưa khẳng định được độ an toàn của sản phẩm.


Năm 2010 UBND tỉnh Đăk lăk đã phê duyệt dự án Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010- 2015 và tầm nhìn đến 2020 và HĐND tỉnh đã có Nghị quyết số: 07/NQ-HĐND ngày 09/ 7/2010 về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế tiêu thụ rau an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2015 nhằm khuyến khích việc tổ chức sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm rau an toàn, nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với cộng đồng của người sản xuất và ý thức bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Tuy nhiên, theo báo cáo của Sở NN & PTNT Đăk Lăk, năm 2011 việc triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, sơ chế rau an toàn toàn tỉnh còn rất ít (triển khai hỗ trợ được 01 nhà sơ chế, 10 bể chứa chất thải vật tư nông nghiệp, 03 gian hàng bán rau, 01 cửa hàng bán rau, cấp 05 giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, sơ chế, tập huấn 450 người, xây dựng 06 mô hình và tổ chức 02 cuộc hội thảo). Thực tế đầu tư sản xuất rau an toàn cần nguồn vốn lớn, nhưng chính sách hỗ trợ còn thấp, bên cạnh đó điều kiện kinh tế nông hộ còn nhiều khó khăn, việc tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng còn hạn chế nên ảnh hưởng đến đầu tư phát triển sản xuất rau an toàn.


Một thực trạng trong sản xuất rau hiện nay đang ảnh hưởng đến phát triển sản xuất rau an toàn trên đại bàn là ngoài việc chưa đầu tư đúng mức nhân rộng diện tích rau an toàn thì việc tổ chức qui mô trong qui hoạch phân bố rải vụ từng loại rau của rừng địa phương theo nhu cầu của thị trường chưa thực hiện được. Vào mùa vụ, giá các loại rau (nhất là rau ăn lá) tại các vườn, chợ đầu mối rất thấp (thậm chí từ 1000 -2000đ/kg) nên sản phẩm rau an toàn tại các siêu thị, các cửa hàng phân phối rau có thương hiệu trên địa bàn Đăk Lăk khó mà cạnh tranh được. Chưa có những tuyên truyền, quảng cáo, giới thiệu và đảm bảo sản phẩm rau an toàn cho người tiêu dùng từ cơ quan chức năng, chưa cảnh báo thường xuyên về tác hại đến sức khỏe đối với người tiêu dùng từ sản phẩm rau chưa an toàn, hầu hết người tiêu dùng thích mua rau ở nơi nào tiện, rẻ và hợp lý nên chưa kích thích việc phát triển sản xuất rau an toàn trong nông dân, còn nhập nhằng rau an toàn với các loại rau từ các vùng miền khác hoặc các loại rau sản xuất theo tập quán, vì thế hiện tượng ngộ độc thực phẩm vẫn hay xảy ra. 


Cách đây không lâu, nhân chuyến tháp tùng cùng một số bà con sản xuất rau tại HTX Thuận Hòa (nơi đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất rau an toàn từ năm 2009) tham quan học tập tại một số vùng sản xuất rau an toàn ở Đà Lạt- Lâm Đồng, càng thấu hiểu thêm sự vất vả, gian nan của nông dân sản xuất rau hiện nay. Con đường từ Buôn Ma Thuột đến Đà Lạt quá gập ghềnh, xe lắc lư như chiếc thuyền đang tròng trành trên sóng biển, tôi bị say xe muốn lã người đi, nhưng bên tai những tiếng ríu rít cười nói của các bác nông dân ngồi sát bên đã lôi kéo tôi theo cuộc trò chuyện quên đi mệt mỏi. Tôi mon men hỏi chuyện, thì ra…..các bác vui quá! đây là lần đầu tiên được Dự án cạnh tranh nông nghiệp hỗ trợ đến thăm Đà Lạt, nơi được ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau rất tốt, các bác nông dân râm ran trò chuyện, trao đổi kinh nghiệm trồng rau với các anh chị em ở các huyện khác, làm tôi cũng vui lây! Chuyện trò cùng anh Trần Văn Công, (khối 12, phường Khánh Xuân, TP.BMT, nơi sẽ được cấp chứng nhận VietGAP, tôi sẽ đề cập vào bài viết kỳ tiếp theo). Tôi hỏi “Với giá rau các loại quá cao hiện nay tại chợ Buôn Ma Thuột (cải ngọt: 8-10.000đ/kg, rau ăn quả: 10 – 15000/kg) có lẽ bà con sản xuất rau phấn khởi lắm thì phải?” anh thật thà kể chuyện: Từ trong năm đến giờ các loại rau cải bán tại vườn trung bình chỉ 2000đ/kg, khi nào cao lắm cũng khoảng 3000đ/kg mà thôi, đậu cô ve cũng chỉ 4000đ/kg. Nếu cả năm, sản xuất rau ăn lá theo lối “cuốn chiếu” được khoảng 7 đợt thu, mỗi đợt nếu không bị hư hỏng do sâu bệnh nhiều thì thu trung bình hơn 2 tấn/sào, với 2,5 sào vườn nhà trừ chi phí, một năm cũng chỉ thu được khoảng hơn 20 triệu đồng. Cả gia đình sống dựa vào sản xuất rau nên cũng đủ để đầu tư lại và nuôi con ăn học, không dư giả đồng nào, mà sản xuất rau có khác gì nuôi con mọn đâu. Từ 3 – 4h sáng đã phải dậy thu hái rau cho kịp 6h sáng thương lái tới thu gom tại nhà, xong tiếp tục làm vườn, xuống giống, tưới rau, bón phân, bơm thuốc, nếu không có thương lái mua tại nhà phải chở ra bán cho các đầu nậu, giá thường không cao hơn bán tại vườn là bao. Tuy nhiên, giá bán lẻ cho người tiêu dùng thì cao gấp 4-5 lần giá tại vườn. Nghịch lý này đã kích thích sự tò mò tìm hiểu của tôi. Được biết, khi mớ rau đến tay người tiêu dùng đã trải qua 4- 5 lần “chuyển giao trung gian”. Cứ mỗi lần chuyền qua tay một tư thương, giá rau lại cộng thêm một số tiền lãi, vì thế một mớ rau nếu 4 giờ sáng xuất phát tại một xã ven Thành phố đến 8 giờ sáng mớ rau ấy cũng có thể lại được chuyển về chợ xã sau một quá trình được lưu chuyển qua các tay trung thương, tất nhiên mớ rau ấy đã được cộng thêm một khoản tiền gấp nhiều lần giá trị chính nó khi đến tay người tiêu dùng. Điều đáng nói ở đây, vào mùa vụ người thiệt thòi nhất vẫn là người trực tiếp làm ra sản phẩm, vì gía bán quá thấp, trong khi người tiêu dùng lại mua với giá rất cao. Có lúc giá rau cải tại vườn chỉ 5 – 6 trăm đồng một cân, nếu hái bán thì không đủ tiền trả công thu hoạch chứ huống hồ là tiền đầu tư, công chăm sóc. Mà hiện tại vật tư nông nghiệp như: Giống, thuốc Bảo vệ thực vật, phân bón các loại, điện nước tưới….giá leo thang từng ngày, người sản xuất phải ngậm bồ hòn làm ngọt và chấp nhận cày vùi rau vào đất rồi lại phải tiếp tục sản xuất, lại tiếp tục “trò chơi” may, rủi…vì cái nghiệp nó là như vậy (người sản xuất than thở). Qua tìm hiểu được biết vì giá rau thường thấp, không ổn định nên nông dân buộc phải chạy theo việc tăng năng suất bằng cách sử dụng phân đạm hóa học và thuốc kích thích thật nhiều thì mới có lãi, điều đó đã làm chất lượng rau không đảm bảo, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Theo nghiên cứu của nhà khoa học người Mỹ, đạm nitrate (NO3) nếu trong rau chưa phân giải hết khi ăn ăn vào cơ thể sẽ chuyển sang nitrite (NO2) và tích tụ lâu dài sẽ tác động vào quá trình hô hấp của tế bào, tác động vào quá trình vận chuyển máu bên trong cơ thể, tác động vào tuyến giáp, có thể hình thành những khối u và trong đó có thể là những khối u ác tính 


Đối với Đăk Lăk việc phát triển sản xuất rau theo chứng nhận VietGAP bước đầu là một thử thách hết sức khó khăn vì sản xuất rau ở Đăk Lăk phần lớn chưa qui hoạch tập trung theo vùng, sản xuất còn manh mún, tự phát theo truyền thống, nếu việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất rau mạnh hơn thì việc sản xuất rau theo hướng an toàn dễ thực hiện hơn rất nhiều, ví dụ: trồng rau trong nhà lưới, sẽ hạn chế côn trùng gây hại (các loại sâu, rầy), hạn chế quá trình thoát hơi nước sẽ tiết kiệm lượng nước tưới, hạn chế quá trình bốc hơi làm mất đạm nên giảm lượng đạm bón cho rau, hạn chế hàm lượng nitrate (NO3 ) trong rau, trồng rau trong nhà lưới sẽ hạn chế mưa lớn tác động vào gây vết thương trên lá rau (hạn chế vi sinh vật xâm nhập gây bệnh cho rau) nên hạn chế được thuốc trừ sâu bệnh, trồng rau trong nhà lưới còn hạn chế việc làm lay gốc cây rau tạo vết thương vào mùa gió lớn, hạn chế sự xâm nhập của nấm bệnh gây thối gốc...Chưa kể đến một số mô hình ứng dụng khoa học công nghệ cao với tính chất qui mô có hệ thống khác (trồng rau cao cấp trong nhà kính phối hợp tưới nhỏ giọt, phun mưa, kết hợp bón phân qua nước, phủ màng nông nghiệp, điều tiết nhiệt độ và độ ẩm phù hợp nhu cầu sinh trưởng của cây, trồng rau với giá thể trong nhà lưới, trồng rau thủy canh ...)Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất rau ngoài việc hạn chế thuốc bảo vệ thực vật, hạn chế phân bón giảm lượng giống, giảm công lao động còn tăng năng suất và chất lượng rất nhiều.


Theo VietGAP, sản phẩm rau an toàn cần phải đạt các chỉ tiêu nội chất trong từng loại rau dưới mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Quốc tế FAO/WHO hoặc của một số nước tiên tiến: Nga, Mỹ về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hàm lượng nitrat (NO3), hàm lượng một số kim loại nặng chủ yếu: Cu, Pb, Hg, Cd, As,...,mức độ nhiễm các vi sinh vật gây bệnh (E.coli, Samonella ...) và kí sinh trùng đường ruột (trứng giun đũa Ascaris). Ngoài ra sản phẩm còn đạt các chỉ tiêu hình thái như: Sản phẩm được thu hoạch đúng lúc, đúng yêu cầu từng loại rau (đúng độ già kỹ thuật, thương phẩm); không dập nát, hư thối, không lẫn tạp chất, sâu bệnh và có bao gói thích hợp. 


Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đăk Lăk, để đáp ứng nhu cầu sử dụng rau an toàn trên địa bàn, năm 2012 tỉnh Đăk Lăk qui hoạch vùng sản xuất rau an toàn tập trung là 490 ha, tập trung một số huyện, thành phố như: TP.Buôn Ma Thuột, CưMgar, EaKar, Krông Păk, Krông Bông, Buôn Đôn và thị xã Buôn Hồ. (Thực hiện Quyết định số: 2181/QĐ ngày 30/8/2010 của UBND tỉnh về phê duyệt Qui hoạch vùng sản xuất rau toàn trên địa bàn tỉnh Đak Lak giai đoạn 2010-2015 và định hướng đến 2020). Kết quả thành công bước đầu về triển khai thực hiện sản xuất rau an toàn theo kế hoạch như thế nào ? mời ban đọc sẽ tiếp tục theo dõi

Cẩm Lai- Trang thông tin điện tử thành phố Buôn Mê Thuột
 



Bộ môn CS & CL
Báo cáo phân tích thị trường