Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sáu lần kiểm kháng sinh cho mỗi lô tôm xuất khẩu sang Nhật Bản
24 | 12 | 2012
Mặc dù năm nay XK tôm sang Nhật Bản gặp không ít khó khăn nhưng đây vẫn là thị trường quan trọng nhất, chiếm 27,5% tổng giá trị XK tôm của Việt Nam. Để duy trì XK tôm sang thị trường khó tính này, nhiều DN đã và đang bỏ ra hàng tỷ đồng mỗi năm cho hoạt động kiểm nghiệm kháng sinh các lô hàng XK của mình.


Tính đến ngày 15/11/2012, giá trị XK tôm sang Nhật Bản đạt 537,2 triệu USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Mặc dù sang tháng 11, XK tôm sang thị trường này có dấu hiệu phục hồi, nhưng suốt trong 4 tháng liền từ tháng 7 đến tháng 10/2012 - sau khi Nhật Bản có quyết định kiểm tra Ethoxyquin trong tôm NK của Việt Nam từ ngày 18/5/2012 - XK tôm sang Nhật Bản liên tiếp sụt giảm: tháng 7 giảm 1,4% ; tháng 8 giảm 16,6%; tháng 9 giảm 9,2% và tháng 10 tiếp tục giảm sâu hơn với 15,8%.


Do vấn đề Ethoxyquin nên đã có không ít DN tôm lâm vào tình cảnh lao đao vì Nhật Bản là thị trường chính tiêu thụ sản phẩm của họ. Nhiều DN không dám mua tôm nguyên liệu, nhất là tôm nuôi theo phương thức công nghiệp do lo sợ nhiễm Ethoxyquin. Một số DN cố gắng duy trì XK sang Nhật Bản bằng cách tăng mua tôm nuôi quảng canh, hoặc NK tôm không nhiễm Ethoxyquin từ nước ngoài về chế biến. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tình thế, không giải quyết được “căn nguyên” của vấn đề.


Được biết, trước khi XK đi Nhật, mỗi lô hàng tôm đang được cả DN và đại diện nhà NK kiểm kháng sinh/vi sinh ít nhất 6 lần tại các phòng kiểm nghiệm đạt chuẩn và được chỉ định của Bộ NN và PTNT (bao gồm kiểm tôm dưới ao trước khi thu hoạch, kiểm tôm nguyên liệu khi về đến nhà máy chế biến gửi kết quả cho phòng kiểm nghiệm của DN và cả bên ngoài, kiểm bán thành phẩm trên dây chuyền sản xuất, kiểm thành phẩm tại phòng kiểm nghiệm của DN (tự kiểm), kiểm thành phẩm gửi NAFIQAD (dạng dịch vụ), kiểm thành phẩm (kiểm cảm quan) bởi đại diện nhà NK).


Mặc dù chi phí tốn kém, nhưng để giữ chỗ đứng trên thị trường và giữ uy tín sản phẩm của DN với đối tác Nhật Bản, từ lâu các DN tôm Việt Nam đã nỗ lực bằng mọi cách có thể, đặc biệt là việc tự kiểm tại các phòng kiểm nghiệm của DN hoặc dịch vụ, để đảm bảo sản phẩm có chất lượng tốt nhất.


Nhờ đó, chất lượng tôm XK sang thị trường Nhật đã được cải thiện rất nhiều, nhất là đối với 2 chất Trifluralin và Enrofloxacin mà Nhật đã cấm từ năm 2011. Cảnh báo của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cho thấy, số lô tôm Việt Nam nhiễm kháng sinh, hóa chất trong năm nay giảm rõ rệt, nhất là nhiễm Enrofloxacin.


Nhìn vào biểu đồ có thể thấy, chất lượng tôm XK vẫn được đảm bảo, thậm chí có xu hướng cải thiện hơn, chứng tỏ sự đúng đắn và hợp lý của Quyết định số 1381/QĐ-BNN-QLCL ngày 12/6/2012 của Bộ NN và PTNT về việc bãi bỏ thực hiện các biện pháp kiểm tra tăng cường về chất lượng, an toàn thực phẩm lô hàng thủy sản XK vào Canada và Nhật Bản, vì thực tế các DN vẫn duy trì được hệ thống kiểm soát và kiểm nghiệm để đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng và an toàn thực phẩm. Trong bối cảnh khó khăn về nguồn vốn và thị trường, quyết định này thực sự đã làm giảm đáng kể áp lực về tài chính và thời gian cho DN, trong khi DN vẫn duy trì tốt chất lượng sản phẩm XK nhờ hoạt động tự kiểm.


Tuy nhiên, vướng mắc về Ethoxyquin - chất chống oxy hóa được dùng rộng rãi trong bảo quản bột cá – thành phần chính của thức ăn chăn nuôi, là chất mà DN chế biến khó có thể kiểm soát được, dù đã cố gắng hết khả năng, vì nó xuất hiện từ khâu thức ăn cho nuôi tôm. Nếu không có sự quản lý, kiểm soát và hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước và chuyên môn cho người nuôi để hạn chế chất này, ngành tôm Việt Nam sẽ bị mất dần thị phần tại thị trường Nhật Bản và điều đó sẽ tạo cơ hội cho các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia chiếm lĩnh thị trường quan trọng này

Nguồn: Trung tâm nghiên cứu khoa học nông vận (http://www.khoahocchonhanong.com.vn)
 



Báo cáo phân tích thị trường