Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chăn nuôi ở ĐBSCL lao đao
11 | 09 | 2007
Trong khoảng hơn hai tuần qua, giá thịt heo và thịt bò tại các chợ ở khu vực ĐBSCL xuống rất thấp. Trong khi đó, giá thức ăn lại tăng cao, làm cho bà con chăn nuôi gặp rất nhiều khó khăn.

Có nhiều hộ chăn nuôi biết bán heo ra thời điểm này với giá thấp thì lỗ nặng, nhưng họ vẫn phải bán vì thức ăn heo tăng, thức ăn xanh lại khan hiếm nên khó lòng duy trì đàn gia súc.

Hiện nay, giá heo hơi ở ĐBSCL đang ở mức 12.500 đồng/kg với giống heo địa phương, giá 14.000 đồng/kg đối với heo siêu nạc. Giá bò hơi trên thị trường khoảng 15.000 đồng/kg, nhưng cũng rất khó bán.

Theo bà con chăn nuôi, đây là mức giá thấp nhất trong nhiều năm qua, khiến người chăn nuôi đã lỗ nặng. Để có 100kg heo hơi, bà con phải đầu tư tiền mua con giống khoảng 350.000 đồng/kg/con (con giống khoảng 16kg), nuôi từ 4-5 tháng. Đến lúc này giá thành 1 kg heo hơi khoảng 15.000 - 16.000 đồng/kg. Với giá heo hơi trên thị trường hiện nay, bà con chăn nuôi lỗ nặng, cộng thêm giá thức ăn đang tăng đã gây khó khăn cho họ.

Theo ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, sở dĩ giá heo hơi và bò hơi ở khu vực ĐBSCL xuống quá thấp là do vào mùa lũ. Hai là bị ảnh hưởng bởi dịch lở mồm long móng. Ba là vào mùa lũ, bà con trong vùng lũ đánh bắt được nhiều cá tôm, làm cho thị trường thực phẩm trở nên phong phú. Hầu hết người tiêu dùng lại thích các loại thực phẩm đánh bắt trong tự nhiên, đã quay lưng với thịt heo, bò. Ngoài ra, thức ăn chăn nuôi lên giá cũng là nguyên nhân khiến cho người chăn nuôi không còn muốn nuôi tiếp.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, từ trước tới nay, ngành nông nghiệp chưa bao giờ quản lý được tổng đàn gia súc của địa phương một cách chính xác, hầu như tất cả bà con chăn nuôi ở tỉnh An Giang nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung, đều chăn nuôi một cách tự phát, khiến cho cung vượt cầu. Do đó, ngành nông nghiệp cần khuyến khích bà con chăn nuôi đến đăng ký với cán bộ nông nghiệp địa phương, để họ nắm vững biến động cụ thể tổng đàn gia súc trên địa bàn. Từ đó có kế hoạch tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, quản lý môi trường, phòng chống dịch bệnh xuống các hộ cũng như các trang trại chăn nuôi.

Để có thể giảm bớt những rủi ro đáng tiếc trong chăn nuôi, ngay từ bây giờ các ngành chức năng hãy tính đến nhu cầu thị trường, có hướng dẫn cụ thể giúp cho bà con tránh được những thiệt hại đáng tiếc.



Nguyễn Huyền - http://www.vneconomy.com.vn
Báo cáo phân tích thị trường