Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu chè tăng có nên mừng?
01 | 02 | 2013
Năm 2012, xuất khẩu chè của cả nước đạt 146.708 tấn, trị giá 224.589.666 USD, tăng 9,6% về lượng và tăng 10,1% về trị giá so với cùng kỳ năm trước với thị trường xuất khẩu mở rộng tới gần 100 quốc gia.

Trong đó Pakistan là thị trường Việt Nam xuất khẩu nhiều chè nhất, với lượng nhập 24.045 tấn, trị giá 45.304.840 USD, tăng 38% về lượng và tăng 39% về trị giá năm 2012, chiếm 20,1% tổng trị giá xuất khẩu chè của Việt Nam. Tiếp đến là Đài Loan, lượng chè xuất khẩu sang thị trường này đạt 22.453 tấn, trị giá 29.589.578 USD, tăng 10,4% về lượng và tăng 13% về trị giá; đứng thứ ba là Nga rồi Trung Quốc, Inđônêxia, Mỹ…


Tuy nhiên kết quả đạt được này chẳng có gì đáng mừng đối với một  ngành hàng sản xuất lớn nhưng phát triển thiếu tính bền vững. Vì sản phẩm chè xuất khẩu chủ yếu là dạng nguyên liệu, không có thương hiệu riêng; giá chè xuất khẩu thuộc mức thấp nhất thế giới! Do vậy khối lượng chè xuất khẩu con số đạt được tuy lớn nhưng con số giá trị lại tỷ lệ nghịch. Thông thường giá chè xuất khẩu của Việt Nam chỉ bằng hơn 50% giá chè thế giới.


Nếu tính về vị thế của ngành chè Việt Nam với thế giới thì đứng vị trí thứ 7 về sản xuất và xuất khẩu; về chế biến thì đứng hàng thứ 5. Có đáng tự hào chăng?!
Nhìn vào con số thống kê, hiện toàn ngành chè có tổng công suất chế biến theo thiết kế là hơn 4.600 tấn/ngày, năng lực chế biến gần 1,5 triệu tấn búp tươi/năm, cả nước có hơn 450 cơ sở chế biến chè quy mô công suất từ 1.000 kg chè búp tươi/ngày song chủ yếu là chế biến thủ công, máy móc thiết bị đã lạc hậu, chưa đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất và chế biến nên hiệu quả không cao.


Một nguyên nhân nữa không thể không nói tới. Đó là chất lượng sản phẩm chè! Tình trạng sản xuất chè không theo đúng quy trình vẫn tồn tại dai dẳng, như vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trên chè còn nhiều gây ảnh hưởng không nhỏ tới uy tín chè Việt Nam và nếu không giải quyết triệt để sẽ dẫn đến mất thị trường xuất khẩu!


Trong số những nước nhập khẩu nhiều chè Việt Nam là các nước EU, Mỹ, Nhật Bản đều rất coi trọng vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và họ kiểm soát rất gắt gao. Họ thường thẳng tay trả lại hàng nếu phát hiện sản phẩm chè không đạt chuẩn an toàn. Thực tế thời gian qua chè Việt Nam bị trả về có số lượng cao nhất trong số những nước xuất khẩu chè  sang Mỹ!


 Trước thực trạng này đầu năm 2012, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có công văn yêu cầu ngành chè, Hiệp hội chè Việt Nam chấn chỉnh và vận động hội viên làm tốt công tác thu mua nguyên liệu đúng tiêu chuẩn với giá hợp lý, đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao, phấn đấu đưa giá chè xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2015 ngang bằng với giá bình quân của thế giới.


Ngoài ra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu Cục Trồng trọt chủ trì rà soát quy hoạch và chỉ đạo các địa phương vùng trồng chè có kế hoạch trồng mới và cải tạo các vườn chè cũ, thay giống mới có năng suất cao, chất lượng tốt và đẩy mạnh việc áp dụng khoa học kỹ thuật và áp dụng các tiêu chuẩn tiên tiến trong sản xuất, phấn đấu đến năm 2015 có ít nhất 50% diện tích chè được cấp chứng chỉ…


Một năm đã đi qua, tình hình thực tế sản xuất chè cũng đã có chuyển biến song vẫn chậm chạp. Ông Nguyễn Xuân Hồng- Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn- cho biết: Trong năm 2013 Cục sẽ tăng cường kiểm tra đánh giá phân loại điều kiện đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến chè và xử phát nghiêm những đơn vị cá nhân vi phạm. Đây là nòng cốt trong công tác quản lý nhà nước. Tham mưu đấy mạnh cơ chế giám sát cộng đồng tức là đưa cả xã hội vào giám sát an toàn thực phẩm. Cục đề xuất tham mưu chính phủ xây dựng mạng lưới tình nguyện viên an toàn thực phẩm ở tất cả các địa phương, tổ chức, đoàn thể…


Trong những năm qua, sở dĩ ngành chè vẫn tồn tại tình trạng sản xuất chè không đảm bảo chất lượng chiếm tỷ lệ cao là do có nhiều nguyên nhân. Trước hết là do thói quen sản xuất kiểu xưa cũ, không chú trọng áp dụng quy trình sản xuất tiên tiến, đúng khoa học kỹ thuật theo hướng an toàn. Việc chăm sóc, bón phân, phun thuốc trừ sâu cũng tùy tiện theo cảm tính, việc thu hái chè cũng không đảm bảo đúng kỹ thuật dẫn đến tình trạng xuống cấp chất lượng sản phẩm chè. Một nguyên nhân khác cũng làm ảnh hưởng đến tập quán sản xuất của người trồng chè, đó là sự dễ dãi của người mua! Trong số những nước nhập khẩu chè Việt Nam có một số nước như Pakistan, Malaysia, Indonexia… không có yêu cầu cao về kiểm  soát chất lượng và dự lượng thuốc bảo vệ thực vật. Vì chè của Việt Nam hiện được xuất khẩu dwois dạng thô, nhà nhập khẩu mua về để đấu trộn rồi bán dưới nhãn mác của họ! Thậm chí có nước ở gần ta thu mua cả loại chè kém chất lượng, chè bẩn nên tạo cho một bộ phận người trồng chè Việt Nam thói quen sản xuất ra sản phẩm không đảm bảo chất lượng.
Còn về phía quản lý nhà nước, tại một số địa phương việc cấp phép cho các cơ sở chế biến chè không theo quy hoạch, cứ xin là cấp cũng dẫn đến tình trạng nhà nhà làm chè, nên khó kiểm soát được chất lượng sản phẩm. Theo thống kê của Hiệp hội chè Việt Nam hiện cả nước có khoảng 300 co sở chế biến chè có công suất 900 nghìn tấn búp tươi/năm, trong đó có khoảng 31 nhà máy có quy mô sản xuất lớn -30 tấn búp tươi/ngày chiếm 47% công suất chế biến; 103 nhà máy có quy mô vừa – công suất chế biến 10 đến 28 tấn búp tươi/ ngày chiếm 43%; còn lại là cơ sở chế biến nhỏ công suất từ 3 đến 5 hoặc 6 tấn búp tươi/ngày và các hộ chế biến nhỏ lẻ chiếm khoảng 10% tổng công suất chế biến… Trong 300 cơ sở chế biến này có tới 85% cơ sở mua nguyên liệu trôi nổi và tình trạng mua tranh nguyên liệu chè diễn ra khá phức tạp và rất khốc liệt do có quá nhiều cơ sở chế biến chè, vì vậy chất lượng sản phẩm càng khó kiểm soát!


Trước thực tế các nước nhập khẩu chè hiện đang ngày càng đưa ra yêu cầu khắt khe về chất lượng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm chè, Hiệp hội chè Việt Nam cần tich cực vào cuộc, vận động tuyên truyền vào mở những khóa tập huấn cho người trồng chè về sản xuất chè an toàn theo tiêu chuẩn HACCP và áp dụng ISO… Đồng thời tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm chè.


(Nguồn Báo Công Thương)
 



Báo cáo phân tích thị trường