Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu cá tra vào Mỹ gặp trở ngại
27 | 02 | 2013
Ngày 21/2/2013, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã tổ chức cuộc điều trần trong khuôn khổ đợt xem xét hành chính lần thứ tám về chống bán phá giá cá tra, cá ba sa của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường này. Dự kiến, DOC sẽ có phán quyết về việc lựa chọn nước thứ ba làm căn cứ tính giá và tính thuế chống bán phá giá vào 14/3/2013.

Hiện nay, Mỹ là thị trường xuất khẩu cá tra, cá basa lớn thứ 2 của Việt Nam. Năm 2012, giá trị xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt được 1,8 tỷ USD (tương đương với 2011) thì kim ngạch xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ đạt hơn 358 triệu USD, chiếm khoảng trên 20% trong tổng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.


Tại Mỹ, diện tích nuôi cá da trơn đã giảm mạnh, từ khoảng 67.000 ha mặt nước xuống còn hơn 33.000 ha, do khó khăn của ngành và sự chuyển đổi vùng nuôi cá sang trồng hoa màu. Những năm trước đây, các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ đã nhiều lần tìm cách ngăn cản các doanh nghiệp Việt Nam thâm nhập thị trường nước này. Trong đó có cả việc gây sức ép đối với các cơ quan chức năng của Mỹ phải tạo ra các hàng rào kỹ thuật, xếp cá tra, cá ba sa của Việt Nam không phải là cá da trơn.


Tình hình kinh tế thế giới năm 2013 có dấu hiệu phục hồi chậm nên nhiều dự báo, thị trường xuất khẩu cá tra sẽ còn gặp khó khăn. Đến nay, có thêm thông tin các doanh nghiệp Mỹ yêu cầu Bộ Thương mại nước này lựa chọn một nước khác như Indonesia hoặc Philippines làm căn cứ tính giá và tính thuế, thay thế Bangladesh cho vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa vào thị trường Mỹ trong phiên điều trần lần thứ tám. Trong quá trình điều tra chống bán phá giá của cá tra Việt Nam, Mỹ thường chọn nước thứ ba thay thế để làm cơ sở so sánh yếu tố chi phí đầu vào. Những lần xem xét trước, Bangladesh (một quốc gia có nền kinh tế tương đương Việt Nam) được chọn là nước thứ ba thay thế, nhưng trong lần này, Mỹ lại chọn Indonesia hoặc Philippines.


Điều này khiến cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam cảm thấy bất an và lo lắng bởi sản lượng xuất khẩu cá tra, cá basa xuất khẩu sang thị trường Mỹ sẽ sụt giảm mạnh và làm tăng thuế suất nếu Bộ Thương mại Mỹ kiên quyết không chọn Bangladesh làm căn cứ như những lần trước. Mặt khác, bất cứ sự thay đổi nào cũng gây khó khăn cho chính DOC trong việc thu thập số liệu.


Năm 2011, DOC chọn Philippines làm nước thứ 3 và chúng ta đã đấu tranh quyết liệt, họ mới chấp nhận lấy số liệu từ Bangladesh nên có những doanh nghiệp được hưởng thuế suất bằng 0 hoặc chỉ vài cent/kg. Nếu lần này DOC kiên quyết chọn Indonesia hoặc Philippines thì cá tra xuất khẩu vào thị trường Mỹ sẽ vô cùng khó khăn. Khi Mỹ lựa chọn 1 nước nào đó ngoài Bangladesh làm nước thứ 3 chúng ta đều bất lợi, do phải bỏ chi phí, công sức thu thập thông tin, tư liệu cần thiết cho quá trình xem xét để cung cấp cho DOC.


Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ được hưởng thuế suất thấp đã cùng nhau hạ giá bán phi lê cá tra đông lạnh loại 1 xuống còn khoảng 2,35 – 2,4 USD/kg (FOB), thấp hơn giá thành sản xuất khiến cho các nhà nuôi cá da trơn của Mỹ bị mất thị trường trong nước và đã phản ứng mạnh mẽ bằng cách tác động lên DOC thông qua các vụ kiện chống bán phá giá.


Điều này khiến DOC liên tục thay đổi nước thứ ba làm căn cứ trong vụ kiện cá tra Việt Nam vào Mỹ và vì thế, xuất khẩu cá tra vào thị trường Mỹ được dự báo sẽ ngày càng khó khăn hơn.


(Nguồn: VnEconomy)



Báo cáo phân tích thị trường