Trao đổi với báo chí về vấn đề này, Ông Cao Đức Phát, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, năm 2007 sẽ là năm hội nhập kinh tế quốc tế của ngành nông nghiệp Việt Nam.
Xin Bộ trưởng cho biết cơ hội và thách thức của việc gia nhập WTO đối với ngành nông nghiệp? Thời gian qua ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự chuẩn bị để hội nhập như thế nào?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Gia nhập WTO sẽ đem lại những cơ hội về tiếp cận thị trường, mở rộng xuất khẩu. Mặt khác ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi thực hiện các cam kết mở thị trường và điều chỉnh sách. Vì vậy, ngành đã sớm có chương trình hành động chuẩn bị hội nhập. Chúng tôi đã nghiên cứu cơ cấu ngành hàng nông sản, đánh giá cụ thể từng ngành hàng về ưu thế, lợi thế cạnh tranh, mặt yếu, mặt mạnh có thể chiến lược và giải pháp phù hợp cho từng giai đoạn phá triển.
Ngay từ đầu 2007, ngành đã triển khai nhiều công việc cần thiết liên quan việc gia nhập WTO. Đặc biệt là phối hợp với các Bộ, ngành liên quan điều chỉnh các cơ chế, các chính sách, tăng cường năng lực thực hiện cam kết quốc tế.
Để phù hợp với hội nhập, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải thay đổi những chính sách gì nhằm tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường nông sản?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Những chính sách về hỗ trợ xuất khẩu nông sản sẽ phải sửa đổi, điều chỉnh, loại bỏ các trợ cấp không phù hợp, chuyển sang các hình thức trợ cấp mà WTO cho phép áp dụng như hỗ trợ tiếp thị, thông tin tư vấn thị trường, ưu đãi cước phí vận tải đối với hàng xuất khẩu. Nước ta có thể tăng cường đầu tư, hỗ trợ cho nông nghiệp thông qua tăng cường nghiên cứu khoa học kỹ thuật, đào tạo khuyến nông, xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, chương trình giống cây trồng, giống vật nuôi, chương trình công nghệ sinh học, hỗ trợ giảm nhẹ thiên tai; áp dụng các chính sách phát triển ngành hàng phù hợp với hội nhập. Tuy nhiên vừa qua chúng ta trợ cấp XK ít. Mặt khác nước ta đã bảo lưu quyền được hưởng một số quy định riêng của WTO dành cho nước đang phát triển trong lĩnh vực này. Thực tế mức cắt giảm thuế quan đối với đa số mặt hàng nông sản không lớn, chúng ta hiện mới có khả năng thực hiện thấp hơn mức cho phép là 10% giá trị sản lượng, để phát huy thế mạnh, đối phó với những thử thách mới, rõ ràng nước ta cần dành nhiều hơn sự quan tâm hỗ trợ cho khu vực nông nghiệp, nông thôn, nhất là các vùng có nhiều khó khăn.
Bộ trưởng có thể đánh giá hoạc dự báo về tình hình thị trường nông, lâm sản 2007, năm đầu tiên khi nước ta gia nhập WTO?
Bộ trưởng Cao Đức Phát: Tiếp tục phát huy đà tăng trưởng mạnh của năm 2006, có thể dự báo hoạt động xuất khẩu hàng hóa của năm 2007, trong đó xuất khẩu nông sản tiếp tục có dấu hiệu khả quan. Năm 2007 chúng tôi có kế hoạch dự kiến xuất khẩu nông lâm sản đạt kim ngạch 7,5 tỷ USD, tăng 5,8% so với 2006. Có thể thị trường nông sản có nhiều biến động như các mặt hàng chín của nông sản nước ta như gạo, cà phê, cao su, hạt điều, đồ gỗ sẽ vẫn có thuận lợi về thị trường. Vào WTO nước ta sẽ có cơ hội tốt hơn cho các mặt hàng này. Tuy nhiên vấn đề là phải nhanh chóng nâng cao khả năng cạnh tranh của các mặt hàng, nhất là những mặt hàng nước ta còn yếu như rau quả, mía đường, chăn nuôi để giữ vững thị trường, việc làm và thu nhập cho nông dân trong nước.
Xin cảm ơn Bộ trưởng.