Ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, cho biết thời điểm này nhiều trang trại nuôi heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai cũng như các tỉnh lân cận đang lỗ nặng vì giá heo giảm mạnh.
Giá heo hơi đang ở mức bình quân khoảng 35.000-36.000 đồng/kg, nếu so với thời điểm trước tết Nguyên đán giá heo đã giảm 7.000-8.000 đồng/kg. Giá heo xuất bán tại chuồng phải đạt 40.000-42.000 đồng/kg thì người nuôi mới có lãi chứ với mức giá như hiện giờ người nuôi đang lỗ nặng 300.000-400.000 đồng/con.
Theo ông Công, giá heo khó tăng lên trong thời gian tới vì nhu cầu tiêu thụ thịt heo trong nước đang giảm, giá nguyên liệu đầu vào tăng và ảnh hưởng từ thông tin dịch tai xanh. Nhà nước không bình ổnđược giá đầu vào, giá bắp, đậu nành thì tăng, doanh nghiệp (DN) thức ăn chăn nuôi thì lại sắp tăng giá. Vì vậy, Nhà nước nên có chính sách bình ổn giá đầu ra, lúa gạo đã có giá sàn thì cũng nên có giá sàn cho con heo. Khi giá heo hơi trên thị trường giảm xuống dưới giá thành, Nhà nước có thể yêu cầu DNNN tiến hành mua heo số lượng lớn với mức giá sàn, qua đó có thể giúp nông dân không bị lỗ.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam, cho rằng không thể làm được vì trái quy luật thị trường và chưa chắc người chăn nuôi đã được hưởng lợi mà lợi lại rơi vào DN vì họ được vay vốn không chịu lãi suất. Ngành gạo làm mà nông dân có được hưởng gì đâu.
Nhiều DN chăn nuôi cho hay với giá heo hiện nay, hầu hết trang trại có giá heo xuất bán tại chuồng ở mức cao 40.000-42.000 đồng/kg thì mới lỗ, còn nhiều trang trại người nuôi vẫn chưa bị lỗ bởi giá thành heo xuất bán của họ chỉ ở mức thấp khoảng 36.000-38.000 đồng/kg. Những trang trại có mức giá heo xuất bán thấp không bị lỗ như vậy vì họ sử dụng các loại cám nội địa chất lượng tốt, kết hợp với quy trình chăn nuôi hợp lý. Còn những trang trại đang bán heo giá thành 40.000-42.000 đồng/kg là do quá phụ thuộc vào cám của các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Giá cám của các DN FDI cao hơn cám của các DN nội địa nên giá thành heo xuất bán phải cao mới có lời. Tuy nhiên, nhiều người chăn nuôi vẫn chấp nhận mua vì trong lúc thiếu vốn, DN FDI có thể bán chịu và các trang trại đều hy vọng rồi giá heo sẽ tăng trở lại. Đáng buồn là giá heo lại giảm mạnh, nhu cầu giảm, người nuôi lại lỗ.
Theo ông Vang, Nhà nước cần kiểm soát chặt giá thức ăn chăn nuôi, xử lý trường hợp tăng giá đầu vào bất hợp lý. Còn người chăn nuôi cũng phải biết cách tự cứu mình, liên kết, liên doanh với DN để tránh được những rủi ro khi giá giảm.