Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Dịch bệnh gia súc, gia cầm diễn biến phức tạp
10 | 04 | 2013
Theo thông báo của cục Thú y, hiện nay dịch tai xanh chỉ xảy ra tại 3 tỉnh là Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh và chưa qua 21 ngày. Tuy nhiên, theo ghi nhận từ các địa phương khác, tình hình dịch tai xanh vẫn diễn biến hết sức phức tạp và có nguy cơ bùng phát trên diện rộng.

Tại tỉnh Ninh Thuận, ngày 4/4/2013 UBND tỉnh đã công bố dịch tai xanh trên địa bàn. Hiện nay, các ngành chức năng và người chăn nuôi ở Ninh Thuận đang thực hiện đồng bộ các biện pháp chống dịch dựa trên nguyên tắc là tập trung tiêu hủy, sau đó phun phòng tiêu độc trên toàn bộ vùng dịch và vùng đệm, tổ chức tiêm vaccine cho toàn bộ đàn lợn. Ninh Thuận cũng đã xuất 1.600 lít thuốc tiêu độc khử trùng dự phòng cho các địa phương, đồng thời ứng 600 triệu đồng để mua vaccine tiêm phòng bao vây dập dịch tai xanh.


Đã gần 20 ngày trôi qua kể từ khi trường hợp lợn mắc dịch tai xanh đầu tiên ở Hà Tĩnh được phát hiện, tình hình dịch bệnh mặc dù có dấu hiệu chững lại, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan do công tác phòng dịch ở một số địa phương và khu vực vẫn bộc lộ nhiều sơ hở. Không chỉ phát xuất từ ý thức của người dân, nguy cơ lây lan dịch bệnh còn do công tác quản lý phòng dịch của cơ quan chức năng ở nhiều nơi không được chặt chẽ.


Trong khi dịch tai xanh đang diễn biến phức tạp, dịch cúm gia cầm lại có nguy cơ tái phát tại nhiều địa phương. Đây là thông tin đáng lo ngại khi cả nước đang khẩn trương triển khai các biện pháp phòng chống dịch cúm A/H7N9.


Tại tỉnh Bình Định, từ giữa tháng 3/2013 đến nay, dịch cúm gia cầm đã tái phát. Đã có khoảng gần 20.000 con vịt tại địa phương bị chết hoặc bị tiêu hủy. Hầu hết các mẫu xét nghiệm lấy từ các đàn vịt chết trên địa bàn tỉnh đều có kết quả dương tính với virus cúm A/H5N1.


Theo Chi cục Thú y Bình Định, dịch cúm gia cầm bùng phát vào thời điểm nắng nóng như hiện nay là bất thường, trái quy luật. Điều đáng lo hơn là dịch có nguy cơ lây lan từ đàn vịt chạy đồng. Hiện tỉnh Bình Định đã chi ngân sách khẩn cấp trên 700 triệu đồng để mua 2 triệu liều vaccine, mục tiêu là đến ngày 20/4, toàn bộ đàn vịt phải được tiêm phòng.
 



Nguyễn Mỹ Ý - Bộ Môn CSCL
Báo cáo phân tích thị trường