Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu nông sản quý II sẽ khả quan hơn
16 | 04 | 2013
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu quý I-2013 ước đạt 29,69 tỷ USD, tăng 19,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tuy nhiên, kim ngạch nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực như gạo, tiêu, cao su… lại giảm do giá giảm và khó khăn về thị trường.

Bộ Công Thương cho biết đối với nhóm hàng nông lâm – thủy sản, kim ngạch xuất khẩu quý I đã giảm nhẹ (giảm 0,3%). Tỷ trọng nhóm hàng này giảm mạnh 3,2% xuống còn 15,9% tổng kim ngạch xuất khẩu. Cũng trong nhóm hàng này, kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh nhất là mặt hàng cao su giảm tới 16,7%, tiếp đến là mặt hàng nhân điều giảm 4,3%, mặt hàng thủy sản giảm 2,3%, gạo giảm 1,4%. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng nông thủy sản trong quý I đã giảm 130 triệu USD so với quý trước đó.

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu cao su giảm là do nguồn cầu từ thị trường Trung Quốc liên tục suy giảm từ đầu năm đến nay. Trong khi thị trường này lại chiếm đến hơn 40% lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam. Hiện giá cao su xuất khẩu thấp hơn 20% so với cùng kì năm ngoái.

Lý giải về việc sản lượng gạo xuất khẩu tăng 34,3% nhưng kim ngạch giảm, ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, do thị trường xuất khẩu gạo bị thu hẹp nên 3 tháng đầu năm nay, gạo Việt Nam chủ yếu sang Trung Quốc (1/3 lượng gạo trong tổng số 1,5 triệu tấn gạo của quý I là xuất sang Trung Quốc). Thế nhưng đặc điểm của thị trường này là buôn bán phần lớn do chênh lệch giá chứ không chỉ để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước. Vì thế, các thương nhân Trung Quốc chỉ mua với giá thấp để bảo đảm lợi nhuận.

Ông Trương Đình Hòe- Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản VN cho biết, nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm là do nhiều mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực của VN như cá tra, tôm đông lạnh thời gian qua gặp nhiều khó khăn tại các thị trường chính. Trong đó, cá tra bị áp thuế cao tại Mỹ, tôm bị kiểm soát chặt dư lượng chất kháng sinh tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Dự báo về triển vọng xuất khẩu trong quý II, đại diện nhiều hiệp hội cho rằng do giá xuất khẩu thời gian qua đã “chạm đáy” nên trong thời gian tới tình hình xuất khẩu sẽ khả quan hơn. Đại diện Hiệp hội Cao su Việt Nam cho biết, tuy lượng cao su xuất sang Trung Quốc giảm nhưng lượng cao su xuất khẩu tới các thị trường mới tăng so với cùng kỳ năm trước như như Malaysia tăng 26,11%; Đức tăng 34,76%; Mỹ tăng 46,41%...

Đối với hàng thủy sản, ông Trương Đình Hòe cho rằng sẽ đạt kim ngạch sẽ đạt 1,4 tỉ USD trong quý II (tăng 200 triệu USD so với quý I) do tình hình không thể xấu hơn được nữa.

Ông Trương Thanh Phong- Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN cũng cho rằng, những tháng đầu năm hầu hết các nhà nhập khẩu gạo chính của VN đều chưa có nhu cầu trong khi lượng gạo hàng hóa vụ đông xuân rất lớn, nên giá gạo xuất khẩu cũng như giá lúa trong nước xuống thấp.

"Mới đây, VN đã ký được hợp đồng tập trung bán cho Philippines 187.000 tấn gạo 25% tấm với giá khá cao. Từ tháng 6 trở đi nhiều thị trường lớn sẽ có nhu cầu trở lại, Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội bán gạo với giá cao hơn", ông Phong nhận định.

Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thì kêu gọi doanh nghiệp thống nhất giá bán và không để giá tiếp tục giảm thêm. Ông Nguyễn Đức Thanh– Chủ tịch Vinacas cho biết, hiện giá điều nhân xuất khẩu dao động ở mức 7-8 USD/kg, trong khi các nhà nhập khẩu chỉ cần gia công thêm một chút là có bán giá cao gấp hai lần giá mua vào. Do đó, các nhà nhập khẩu tìm cách tạo sức ép để hạ giá càng thấp càng tốt chứ không thể không mua hàng từ Việt Nam. Việt Nam có lợi thế là chất lượng hạt điều tốt hơn các nước nên doanh nghiệp tạo ra sản phẩm cho những phân khúc thị trường cấp cao để bán giá cao hơn từ 15%.
 

Theo Duy Quang
Báo hải quan



Báo cáo phân tích thị trường