Năm 2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành đã ban hành quyết định 80/2002/QĐ-TTg nhằm tạo điều kiện cho sự liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Liên kết này cũng nhằm tăng cường vai trò hỗ trợ của nhà nước trong quản lý và hỗ trợ các dịch vụ công. Nhà khoa học nghiên cứu và chuyển giao cho nông dân các loại giống cây trồng, con vật nuôi, hướng dẫn và tập huấn cho nông dân thực hiện các qui trình tiến bộ kỹ thuật. Đặc biệt là các nhà doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân trong đầu tư sản xuất và tiêu thụ nông sản cho nông dân. Nông dân là những người sản xuất, có quyền lợi và nghĩa vụ thực hiện các cam kết sản xuất và bán sản phẩm cho doanh nghiệp theo hợp đồng ký kết. Các tác nhân tham gia liên kết dặc biệt là doanh nghiệp và nông dân được hưởng một số ưu dãi của nhà nước về vay vốn, hỗ trợ kỹ thuật và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.
Quyết định 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ nhằm mục đích thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp từ việc sản xuẩt tự cung tự cấp sang một nền nông nghiệp thương mại hoá cao và hướng tới xuất khẩu. Quyết định này tập trung vào việc đẩy nhanh quan hệ hợp đồng để tăng cường hiệu quả của thu mua nông sản của nông dân và đối mới công nghệ trong kinh tế nông thôn. Bên cạnh đó cũng còn có một số vấn đề chưa phù hợp khi thực hiện như:
- Tỷ lệ bán qua hợp đồng khá thấp, thường là dưới 30% tổng sản lượng. Tỷ lệ trên 30% chỉ đạt được đối với một số sản phẩm cấn yêu cầu cao về chế biến như mía đường, bông, sữa, thuốc lá, chè và cao su.
- Vi phạm hợp đồng diễn ra khá phổ biến trong đó nông dân thường từ chối giao nộp sản phẩm để trả tiền vật tư và vốn ứng trước cho doanh nghiệp.
- Hợp đồng trực tiếp giữa nông dân và nhà chế biến thường bị biến dạng thành hình thức hợp đồng giữa nhà chế biến và thương lái (đại diện cho các nhóm nông dân) và có rất ít trao đổi thông tin trực tiếp giữa nhà chế biến và nông dân.
- Hợp đồng nông sản dường như chỉ hướng tới các nông hộ có quy mô lớn tại các vùng nông nghiệp phát triển như Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.
Tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng là một trong những hình thức sản xuất - chế biến và tiêu thụ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Để hợp đồng tiêu thụ nông sản trở thành thói quen và tập quán mới trong sản xuất nông nghiệp bên cạnh các chính sách của nhà nước cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của cả hệ thống chính trị, sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp và người dân. Hiện tại, việc thực hiện Quyết định 80/2002/QĐ-TTg gặp nhiều khó khăn do các nguyên nhân đã phân tích ở mục (1.1).
Để khắc phục những vướng mắc trên, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng tại Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2002 và Chỉ thị số 24/2003/CT-TTg về xây dựng vùng nguyên liệu gắn với chế biến tiêu thụ. Cánh đồng mẫu lớn là hình thức tổ chức lại sản xuất trên cơ sở liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp, tập hợp những nông dân nhỏ lẻ tạo điều kiện áp dụng những kỹ thuật mới và giải quyết đầu ra ổn định và có lợi cho nông dân .
Theo TS. Nguyễn Trí Ngọc-Cục trưởng Cục Trồng trọt (2012) , xây dựng cánh đồng mẫu lớn cũng là giải pháp lâu dài góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững được nêu trong Nghị quyết số 21/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội. Do đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trương mở rộng phong trào xây dựng “Cánh đồng mẫu lớn” trên cả nước, không chỉ trên cây lúa mà các cây trồng khác. Qua đánh giá ban đầu về hiệu quả kinh tế trong mô hình cánh đồng mẫu lớn ở một số địa phương cho thấy lợi nhuận thu được từ mô hình cao hơn so với ngoài mô hình từ khoảng 2,2-7,5 triệu đồng/ha, nhờ việc áp dụng đồng bộ các giải pháp kỹ thuật giúp làm tăng năng suất, đồng thời giảm chi phí sản xuất như lượng giống xạ, số lần phun thuốc trừ sâu bệnh.
Nhằm đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, Bộ Công Thương cũng đang triển khai nhiều giải pháp để tăng mua nông sản, kết nối giao thương tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp với từng vùng, miền. Vụ thị trường trong nước-Bộ Công Thương đang triển khai mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi, sau khi làm xong tại 12 tỉnh thành sẽ có tổng kết và nhân rộng.
Như vậy có thể nói Chính phủ và các cơ quan Bộ ngành, các địa phương đã có nhiều giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản và đã bước đầu có những kết quả tích cực. Trong thời gian tới, để nâng cao hiệu quả của việc liên kết, một số giải pháp cần tiếp tục được thực hiện như:
- Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý với các văn bản dưới luật để cụ thể hóa các quy định và các giải pháp khuyến khích 4 nhà trong liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản.
- Rà soát và lựa chọn các hình thức hỗ trợ vốn, kỹ thuật hiệu quả cho các tác nhân trong chuỗi cung giá trị nông sản sản xuất tới tiêu thụ. Theo đó, cần có những đánh giá sâu sát về hiệu quả của hỗ trợ từ Nhà nước và các tổ chức quốc tế đối với các tác nhân trong chuỗi giá trị để lựa chonh những hình thức hỗ trợ phù hợp đối với điều kiện và đặc điểm của từng nhóm tác nhân, từng địa phương và từng giai đoạn.
- Tăng cường công tác khuyến nông và đào tạo đối với nhóm sản xuất nhưng không chỉ dừng lại ở kỹ năng, kỹ thuật sản xuất mà cần mở rộng ra các kỹ năng phối hợp tiêu thụ sản phẩm.
- Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch và dự báo về sản xuất, tiêu thụ nông sản ở cả cấp quốc gia, địa phương để các tác nhân trong chuỗi tiếp thu và chấp hành các khuyến cáo một cách kịp thời, mạnh mẽ hơn.
- Đặc biệt, đối với tiêu thụ nông sản, cần tổ chức và mở rộng mạng lưới kinh doanh hàng nông sản ở địa bàn nông thôn. Tại các vùng sản xuất hành hoá tập trung cần hình thành các kênh tiêu thụ chủ lực, cấp độ lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp nòng cốt với hệ thống chợ đầu mối nông sản, hệ thống thu mua, phân phối hàng hóa nông sản cấp vùng và cấp tỉnh. Tại các vùng sản xuất nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông sản cần xây dựng mối liên kết bền vững giữa người cung ứng và các cơ sở chế biến nông sản.
- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản, ví dụ hệ thống kho bãi, đường xá, thủy lợi, chợ…; phát triển đa dạng các loại hình hạ tầng thương mại phục vụ hoạt động kinnh doanh hàng nông sản.
Trích báo cáo "KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU THỰC TRẠNG VÀ CHÍNH SÁCH ĐẨY MẠNH LIÊN KẾT SẢN XUẤT VÀ TIÊU THỤ SẢN PHẨM NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM"