Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn cung sản xuất phân bón trong nước hiện đã đáp ứng 80% nhu cầu
21 | 11 | 2013
Theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam (FAV), nhu cầu phân bón ở Việt Nam hiện nay vào khoảng trên 10 triệu tấn các loại.
Trong đó, Urea khoảng 2 triệu tấn, DAP khoảng 900.000 tấn, SA 850.000 tấn, Kali 950.000 tấn, phân Lân trên 1,8 triệu tấn, phân NPK khoảng 3,8 triệu tấn, ngoài ra còn có nhu cầu khoảng 400.000 - 500.000 tấn phân bón các loại là vi sinh, phân bón lá. Hiện tại, nước ta đã đáp ứng được 80% nhu cầu phân bón. Theo kế hoạch mở rộng công suất và xây dựng nhà máy mới, dự kiến đến năm 2015, sản lượng phân bón trong nước sản xuất cơ bản đáp ứng được nhu cầu.
 
Theo FAV, cả nước hiện nay có đến 500 doanh nghiệp sản xuất phân vô cơ và hàng nghìn doanh nghiệp kinh doanh phân hữu cơ, vi sinh. Tuy nhiên, nguồn cung phân bón chủ yếu của nước ta tập trung vào 15 doanh nghiệp lớn thuộc 2 tập đoàn: Vinachem và PVN. Nguồn cung sản xuất đối với từng loại phân bón như sau:
 
Phân ure: Năng lực sản xuất phân ure trong nước đến thời điểm hiện tại là 2,34 triệu tấn/năm, bao gồm: Đạm Phú Mỹ 800.000 tấn, Đạm Cà Mau 800.000 tấn, Đạm Hà Bắc 180.000 tấn, Đạm Ninh Bình 560.000 tấn. Dự kiến cuối năm 2014, Đạm Hà Bắc nâng công suất từ 180.000 tấn lên 500.000 tấn/năm, cả nước sẽ có 2,66 triệu tấn/năm. Như vậy đến nay, sản xuất ure trong nước không những phục vụ đủ cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp mà còn có lượng để xuất khẩu.
 
Phân DAP: Hiện sản xuất phân DAP trong nước tại Nhà máy DAP Đình Vũ là 330.000 tấn/năm, đến hết 2015 có thêm Nhà máy DAP Lào Cai công suất 330.000 tấn/năm và theo kế hoạch, từ nay đến hết năm 2015 sẽ có thêm một nhà máy DAP nữa hoặc nâng công suất hiện có của DAP Đình Vũ lên thêm 330.000 tấn/năm. Như vậy, sau năm 2015, sản xuất trong nước có thể đạt tới gần 1 triệu tấn DAP/năm, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước. Từ nay đến hết năm 2014, chúng ta vẫn phải nhập khẩu DAP thêm từ 500.000 - 600.000 tấn/năm.
 
Phân Lân: Hiện tại, Supe Lân sản xuất trong nước có công suất 1,2 triệu tấn/năm, bao gồm Nhà máy Lâm Thao công suất 800.000 tấn/năm, Lào Cai 200.000 tấn/năm và Long Thành 200.000 tấn/năm. Sản xuất Lân nung chảy hiện tại vào khoảng 600.000 tấn/năm, bao gồm Nhà máy Văn Điển và Nhà máy Ninh Bình. Dự kiến sắp tới sẽ có thêm khoảng 500.000 tấn/năm của 3 nhà máy mới. Như vậy, sản xuất phân Lân trong nước cũng đáp ứng được về cơ bản cho nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong nước.
 
Phân NPK: Cả nước hiện có tới cả trăm đơn vị sản xuất phân bón tổng hợp NPK các loại. Về thiết bị và công nghệ sản xuất cũng có nhiều dạng khác nhau, từ công nghệ cuốc xẻng đào trộn theo phương thức thủ công bình thường đến các nhà máy có thiết bị và công nghệ tiên tiến. Về quy mô sản xuất tại các đơn vị cũng khác nhau, từ vài trăm tấn/năm tới vài trăm ngàn tấn/năm và tổng công suất vào khoảng trên 3,7 triệu tấn/năm. Nói chung là sản xuất NPK ở Việt Nam vô cùng phong phú cả về thiết bị, công nghệ đến công suất nhà máy. Chính điều này đã dẫn tới sản phẩm NPK ở Việt Nam rất nhiều loại khác nhau cả về chất lượng, số lượng đến hình thức bao gói.
 
Phân Kali: Phân Kali hiện trong nước chưa sản xuất được do nước ta không có mỏ quặng Kali, vì vậy 100% nhu cầu của nước ta phải nhập khẩu.
Phân SA: Tương tự phân Kali, Việt Nam hiện chưa có nhà máy nào sản xuất phân SA và nước ta vẫn phải nhập khẩu 100% từ nước ngoài.
Phân hữu cơ và vi sinh: Hiện tại, sản xuất phân hữu cơ và vi sinh trong nước vào khoảng 400.000 tấn/năm, tương lai nhóm phân bón này vẫn có khả năng phát triển do tác dụng của chúng với cây trồng, làm tơi xốp đất, trong khi đó nguyên liệu được tận dụng từ các loại rác và phế thải cùng than mùn sẵn có ở nước ta.
 
Nguồn: kinhtevadubao.com.vn
 


Báo cáo phân tích thị trường