Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Năm 2014: Kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sẽ đạt 6,2 tỷ USD
26 | 02 | 2014
Theo số liệu của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vietfores) Năm 2013, XK gỗ và đồ gỗ đã thiết lập kỷ lục mới với kim ngạch 5,5 tỷ USD, vượt 7% so với kế hoạch và vượt cả mục tiêu 5,4 tỷ USD đề ra cho năm 2015. Về thị trường, trong năm qua, ngoại trừ XK vào Đức giảm 16,54%, Pháp giảm 3,24% so với năm 2012, XK gỗ và các sản phẩm gỗ sang các thị trường tiêu thụ lớn hầu hết đều tăng trưởng mạnh. Cụ thể, Hoa Kỳ tăng 10,26%, Trung Quốc 34,64%, Nhật Bản 20,97%, Hàn Quốc 45,23%. XK đồ gỗ và lâm sản là một trong những lĩnh vực có tỷ lệ xuất siêu cao so với một số lĩnh vực khác (trên 3 tỷ USD, tương ứng với 65%). Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 trên thế giới, thứ 2 châu Á và đứng đầu Đông Nam Á về XK đồ gỗ.

Từ năm 2014 đến 2020, chính phủ có chính sách tạm thời cấm khai thác chính đối với rừng tự nhiên trên toàn quốc nhưng vẫn được khai thác tận thu lâm sản. Các doanh nghiệp ngành lâm nghiệp hiện đang chờ Bộ Nông nghiệp và PTNT có hướng dẫn cụ thể về việc khai thác tận thu tận dụng như thế nào. Riêng 2 công ty đã có chứng chỉ rừng bền vững (FSC) thì vẫn được khai thác gỗ trong diện tích đã được cấp phép. Chính sách này tác động trước hết đến các lâm trường và các công ty lâm nghiệp, vì khi không còn được khai thác gỗ rừng cũng đồng nghĩa với việc mất đi nguồn thu để trả lương cho cán bộ, công nhân viên. Tác động thứ hai là sẽ thiếu hụt nguồn gỗ, các làng nghề sản xuất đồ gỗ để phục vụ tiêu dùng nội địa sẽ khó khăn về nguyên liệu, phải gia tăng nhập khẩu gỗ. Với ngành sản xuất đồ gỗ XK thì sẽ ít bị ảnh hưởng, vì sản phẩm gỗ XK ít dùng gỗ rừng tự nhiên, mà chủ yếu sử dụng gỗ rừng trồng, gỗ nhân tạo và gỗ nhập khẩu.

 

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Tôn Quyền, Tổng thư ký Vietfores, lệnh cấm khai thác gỗ rừng tự nhiên sẽ không ảnh hưởng tới xuất khẩu (XK) đồ gỗ. Ngành chế biến gỗ XK năm 2014 vẫn tăng trưởng mạnh, không chỉ bởi các thị trường đang mở rộng nhanh mà Việt Nam còn được hưởng lợi rất lớn nếu hiệp định TPP được ký kết.
 
Ông Quyền nhận định năm 2014,¬ xuất khẩu gỗ sẽ vượt qua mục tiêu kim ngạch XK 6,2 tỷ USD mà Vietforest đăng ký với Bộ Công Thương. Bởi vì các thị trường Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc đều rất sáng sủa đối với sản phẩm gỗ Việt Nam; thị trường EU đã vượt qua khủng hoảng. Quan trọng hơn, năm 2014, Việt Nam sẽ gia nhập Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Nhiều quốc gia trong TPP như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia,... vốn là những thị trường XK sản phẩm gỗ trọng điểm của Việt Nam nên một khi được ký kết và có hiệu lực, ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam sẽ được hưởng lợi rất lớn, nhờ thuế XK đồ gỗ vào nhiều nước sẽ được cắt giảm. Đồ gỗ Việt Nam càng có lợi thế so với đối thủ cạnh tranh lớn nhất là Trung Quốc, vì Trung Quốc chưa được tham gia TPP. Việc thực thi cam kết TPP cùng cải cách sẽ tạo dựng môi trường đầu tư minh bạch và cạnh tranh, qua đó sẽ thu hút được nhiều nguồn đầu tư trong và ngoài nước vào ngành công nghiệp chế biến gỗ Việt Nam.
 
Dài hạn hơn, ông Quyền dự báo đến năm 2020 XK đồ gỗ sẽ đạt 10-12 tỷ USD. Thương mại đồ gỗ toàn thế giới đạt 220-230 tỷ USD/năm, trong đó EU nhập khẩu 90 tỷ USD, Hoa Kỳ nhập khẩu 25 tỷ USD… Nếu Việt Nam có chiến lược đúng đắn thì việc chiếm lĩnh 10% thị phần đồ gỗ thế giới sẽ nằm trong tầm tay, khi đó kim ngạch XK đồ gỗ nước ta sẽ vươn tới 20 tỷ USD.
 
Nguồn: IPSARD
 

 



Báo cáo phân tích thị trường