Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khe Mây: Niềm vui được mùa cam
29 | 07 | 2007
Hà Tĩnh có nhiều mô hình kinh tế trang trại, vườn đồi nhưng đưa lại hiệu quả kinh tế cao như Khe Mây (xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) không phải nơi nào cũng đạt được. Riêng cây cam, liên tục trong nhiều năm qua đã đưa lại cho người dân Khe Mây hàng tỷ đồng. Tết này, mùa xuân này, người dân Khe Mây lại bừng lên niềm vui được mùa cam.

Năm 1993, theo tiếng gọi của Đảng, hàng trăm hộ dân của các xã Hương Đô, Hương Trạch, Phúc Trạch, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) lên đường đi xây dựng vùng kinh tế mới. Trong đó, có 86 hộ dân vào vùng Khe Mây (Hương Đô) khai phá tiềm năng đất đai, xây dựng cuộc sống mới. Ngày ấy, Khe Mây còn heo hút, núi rừng âm u, cây dại mọc chằng chịt. Buổi đầu lập nghiệp trên vùng đất mới còn khó khăn trăm bề, bệnh tật... Nhưng những người đến với Khe Mây không quản ngại khó khăn đều nung nấu ý chí, nghị lực đi lên bằng bàn tay, khối óc, họ động viên nhau vượt qua vất vả ban đầu, vừa sớm ổn định nơi ăn chốn ở, vừa đầu tư công sức khai hoang. Ban đầu do thiếu vốn, họ thực hiện phương châm khai hoang đến đâu, trồng rau màu đến đó. Hộ ít cũng trồng được vài ba sào. Phương thức này không những có cái ăn hàng ngày mà còn có sản phẩm phục vụ chăn nuôi. Cứ thế, cuộc sống nơi miền đất lạ dần dần được ổn định. Sau hơn 3 năm, cùng với sản xuất rau, màu, nhiều loại cây ăn quả bắt đầu đâm chồi nảy lộc, ngày một tốt tươi. Niềm tin đã được nhân lên, bởi đất không phụ công người. Những vườn cam, vườn bưởi bát ngát màu xanh, nở hoa kết trái. Khí hậu, thổ nhưỡng vùng Khe Mây rất phù hợp với cây cam, giống cam nào trồng trên đất Khe Mây đều ra hoa, đậu quả nhiều và ít sâu bệnh. Có lẽ vì thế mà đến bây giờ Khe Mây đã có hơn 185 ha đất được các hộ dân quy hoạch trồng cam, chiếm diện tích nhiều nhất trong các loài cây ăn quả. Cây cam thực sự đã trở thành một thứ đặc sản hàng hóa, đưa lại nguồn thu nhập chính cho nhiều hộ dân nơi đây. Ông Đinh Ngọc Oánh, là một điển hình cả về kinh nghiệm, kỹ thuật trồng cam cũng như mức thu nhập từ loại cây có giá trị kinh tế này. Ông đúc rút kinh nghiệm qua sách báo, qua thực tiễn và được sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm tỉnh hướng dẫn kỹ thuật, ông Oánh là người tiên phong trong việc điều chỉnh cho vườn cam ra hoa, đậu quả theo chủ định của mình. Hiện nay, trên 5 ha đất trồng các giống cam, hàng năm đã đưa lại cho gia đình ông thu nhập trên 130 triệu đồng.

Khát vọng làm giàu của người dân Khe Mây chưa dừng lại ở những vườn cây ăn quả bội thu, được giá. Để mở rộng quy mô phát triển kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, mấy năm nay nhiều hộ dân đã tích lũy nguồn vốn, tận dụng quĩ đất trồng cỏ chăn nuôi gia súc. Bằng cách làm này, vừa tăng thêm nguồn thu nhập, vừa chủ động nguồn phân bón hữu cơ chăm sóc cây trồng, đồng thời tăng độ phì nhiêu cho đất và không ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Với ưu thế thuận lợi từ tiềm năng đất đai, cây cam vẫn giữ vai trò chủ đạo. Do vậy, ngoài yếu tố chuyển giao khoa học kỹ thuật, mong muốn của người dân Khe Mây là trong năm tới sản phẩm của họ được mang thương hiệu "Cam Khe Mây".



Nguồn tin: Nongthon.net
Báo cáo phân tích thị trường