Theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năm 2017, Trung Quốc sẽ vượt Hàn Quốc để trở thành nước nhập khẩu ngô lớn thứ 3 trước khi vượt Mexico để giành lấy vị trí thứ 2 vào năm 2019.
Hiện tại, nhập khẩu ngô của Trung Quốc đạt 5 triệu tấn. Dự báo, con số này sẽ tăng lên khoảng 16 triệu tấn vào cuối thập kỷ này và lên 22 triệu tấn vào giai đoạn 2023 - 2024 do nhu cầu về thịt tăng lên kéo theo nhu cầu về thức ăn cho gia súc.
USDA dự báo, Trung Quốc sẽ tăng sản lượng thịt bò, thịt gia cầm và thịt bò lên 90 triệu tấn vào giai đoạn 2023 -2024, cao hơn 30% so với năm 2012.
Nhu cầu thịt của Trung Quốc tăng cao cho thấy sự cần thiết của việc chính phủ phải đảm bảo nguồn nhập khẩu ngũ cốc. Đây cũng là nguyên nhân khiến công ty Cofco (China National Cereals, Oil and Foodstuffs) chi 1 tỷ USD - 2 tỷ USD để mua cổ phần của một doanh nghiệp liên doanh sản xuất đường, đậu và lúa mì cùng với tập đoàn Noble và mua số cổ phần trị giá 1,3 tỷ USD của công ty Nidera tại Hà Lan.
Trong bối cảnh ngày càng phụ thuộc vào hoạt động nhập khẩu ngũ cốc, công ty Cofco đang tìm cách mua các mặt hàng này trực tiếp từ các nông dân trên thế giới và giảm bớt sự phụ thuộc vào các công ty hàng hóa nước ngoài như Archer Daniels Midland, Bunge, Cargill và Louis Dreyfus.
Trong 10 năm tới, tỷ trọng nhập khẩu ngô của Trung Quốc được dự báo sẽ chiếm 40% hoạt động buôn bán ngô toàn cầu và tỷ trọng nhập khẩu đậu tăng lên 70% so với mức hiện tại là 65%. Những số liệu này sẽ nâng cao tầm ảnh hưởng của Trung Quốc đối với lĩnh vực kinh doanh nông nghiệp trên toàn thế giới.
USDA dự báo, các hãng sản xuất ngô của Mỹ sẽ là đối tượng hưởng lợi chính khi Trung Quốc tăng nhập khẩu ngô. Ngoài ra còn có một số nước xuất khẩu khác như Ukraine, Argentina và Brazil.
Nhu cầu lớn về ngô của Trung Quốc có thể là nguyên nhân khiến giá ngô tăng lên. Giai đoạn mùa màng bội thu kỷ lục của Mỹ trong năm 2013 - 2014 đã khiến thị trường thất vọng. Một số chuyên gia phân tích dự báo rằng, giá sẽ tiếp tục giảm cho đến tận năm 20105 - 2016 trước khi tăng trở lại.
Nguồn: Bloomberg