Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá sữa bán lẻ sẽ khó giảm như mong đợi
16 | 06 | 2014
Giá sữa nguyên liệu trên thị trường thế giới đang hạ từ 0,53% đến 3,94%, các hãng sữa đã điều chỉnh giá bán buôn mặt hàng sữa. Liệu giá bán lẻ sữa ngày 21-6 tới có được giảm tương ứng hay không?

Người tiêu dùng đặt ra câu hỏi, là giá sữa liệu sẽ giảm ra sao, ở mức nào. Thị trường sữa có đến 800 mặt hàng sữa nhưng chỉ áp trần bán buôn với 25 sản phẩm sữa. Thị trường sữa cũng có hàng trăm đại lý kinh doanh và hàng nghìn cửa hàng nhỏ lẻ bán lẻ, kiểm soát giá bán lẻ như thế nào để luôn đảm bảo, mức giá bán lẻ không được phép cao hơn 15% so với giá bán buôn nếu như cơ chế kiểm soát, thanh tra không sát sao. Ví dụ với các trường hợp sữa được bán lẻ tại các quầy hàng tổng hợp, quầy hàng bách hóa trong ngõ nhỏ thì Bộ Tài chính hay lực lượng quản lý thị trường của Bộ Công thương làm sao kiểm tra được giá từng hộp sữa?

Nhiều vấn đề đặt ra: Liệu các cơ quan quản lý có kiểm soát được ở tầm vi mô, chi ly trên từng địa bàn. Kiểm soát giá bán buôn có thể hoàn thành nhưng cơ quan quản lý có thể lúc nào cũng đi kiểm tra từng sản phẩm tại từng ngõ, hẻm. Về phía người tiêu dùng cơ chế nào để xác minh giá bán lẻ mà cửa hàng đưa ra chuẩn phù hợp so với giá bán buôn.
 
Trong khi đó, tính đến ngày 13-6 Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết cơ quan này đã nhận được hồ sơ đăng ký giá sữa của bốn doanh nghiệp (Mead Johnson Việt Nam, Nestle Việt Nam, Friesland Campina Việt Nam và Công ty Dinh dưỡng 3A - nhà phân phối sản phẩm sữa Abbott) với tổng số 141 sản phẩm. Cục Quản lý giá đã công khai các mức giá này. Trong số 141 sản phẩm được công khai mức giá trần có sản phẩm sữa Enfagrow A+4 hộp 400g có giá thấp nhất là 145.497 đồng/hộp, và mức giá cao nhất là sản phẩm Enfagrow A+3 360 Brain Plus 1.800g với mức giá là 699.435 đồng/hộp.
 
Tìm hiểu thị trường sữa ngày 13-6, nhiều chủ đại lý trên phố Hàng Buồm cho biết: Chúng tôi cứ theo giá của nhà phân phối đưa xuống mà niêm yết. Khách mua sản phẩm nào cứ thế mà soi vào. Bảng giá cũng được viết, dán ở cửa hàng rõ ràng.
 
Như vậy, với cơ chế đang bán hàng như hiện nay, dường như người tiêu dùng cũng chỉ trông vào sự thành thật của nhà buôn. Đây cũng chính là thực tế lý giải tại sao cùng một sản phẩm sữa nhưng tùy vào vị trí, tùy vào từng cửa hàng sẽ có các mức giá khác nhau.
 
Nhiều dẫn chứng cũng dẫn ra giá bán lẻ mặt hàng sữa e khó giảm mạnh. Ví dụ, mức giá bán buôn được các công ty đăng ký thấp hơn so với mặt bằng chung khi chưa có giá trần từ 100.000-120.000 đồng/hộp. Chẳng hạn Grow G-Power Vanilla 900g có giá bán buôn do doanh nghiệp công bố là 360.000 đồng/hộp. Sữa Similac Gain Plus IQ 900 g có giá bán buôn là 405.000 đồng.  Nếu cộng thêm 15% nữa thì mức giá bán lẻ của 2 hộp sữa Grow G-Power Vanilla 900g, Similac Gain Plus IQ 900g lần lượt là: 415.000 đồng/hộp và 466.000 đồng/hộp. Còn ngoài thị trường, hiện 2 loại sữa này cũng đang có giá 425.000 đồng/hộp và 470.000 đồng/hộp. Như vậy đối chiếu với giá lẻ theo cách tính của doanh nghiệp và Bộ Tài chính đưa ra với mức giá bán lẻ hiện tại thì kết quả chỉ ra giá sữa bán lẻ sau ngày 21-6 rất khó giảm.
 
Các chuyên gia trong ngành cho biết, chi phí sản xuất giá sữa thực ra chỉ có 2 đối tượng biết rất rõ: các nhà sản xuất sữa và nhà phân phối. Để đối phó với cách thức áp giá trần, doanh nghiệp sản xuất chỉ cần "mẹo nhỏ” lấy giá bán lẻ hiện tại trừ đi 15% rồi đăng ký mức giá đó với Bộ Tài chính. Doanh nghiệp không bao giờ chịu lỗ, và người tiêu dùng khó mà được lợi như kỳ vọng. Bản chất của việc áp trần để tiến tới giảm giá bán lẻ rất khó làm khi mà doanh nghiệp chỉ cần điều chỉnh hàm lượng vi chất, điều chỉnh công thức, hay đơn giản hơn là điều chỉnh phần rất nhỏ giá nguyên liệu là cho ra mức giá đúng với yêu cầu giá trần của Bộ Tài chính.
 
Nguồn: vov.vn
 


Báo cáo phân tích thị trường