Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành chăn nuôi trong nước gặp khó vì thịt nhập khẩu
21 | 08 | 2014
Nửa đầu năm 2014, lượng bò từ Úc nhập về nước ta đã ở mức hơn 72.000 con, nhiều hơn 6.000 con so với lượng bò nhập khẩu cả năm 2013. Các mặt hàng thịt heo, gà và các loại phụ phẩm nội tạng đều đang được nhập về Việt Nam với số lượng lớn hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài bò sống từ Úc, Việt Nam còn nhập khẩu số lượng lớn thịt trâu, bò đông lạnh. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay Việt Nam cũng nhập khẩu gần 2.000 con trâu sống từ Úc qua đường chính ngạch để phục vụ cho việc giết mổ, bán thịt trên thị trường nội địa. Cũng trong hơn 6 tháng đầu năm 2014, lượng thịt heo, gà, cừu nhập khẩu cũng tăng mạnh.
 
Với tốc độ nhập thịt ngoại ngày càng nhiều khiến ngành chăn nuôi trong nước lâm vào cảnh khó khăn, thua lỗ vì rớt giá. Nhưng theo các chuyên gia, ngành chăn nuôi nước ta cần biết một thực tế là trong những năm tới thịt nhập khẩu sẽ ngày càng nhiều. Vì vậy, cần có những giải pháp liên kết hoặc gia công để tồn tại, phát triển. Đa phần trang trại, các hộ chăn nuôi Việt Nam vẫn có nếp nghĩ làm nuôi gia công là làm thuê, mình làm để người khác hưởng lợi. Đấy là cách nghĩ hoàn toàn sai. Ở nước ta nhiều trang trại đã thành công nhờ khởi đầu từ mô hình nuôi gia công cho doanh nghiệp nước ngoài. Một loạt trang trại ở Sơn Tây (Hà Nội) ban đầu nuôi gia công 80%, họ được nước ngoài hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc và hướng dẫn kỹ thuật. Nhờ vậy các trang trại này thoát rủi ro thua lỗ vì rớt giá, vẫn đảm bảo có lợi nhuận. Cũng như vậy, ở Đồng Nai, nhiều trang trại thu được lợi nhuận trong mấy năm qua là nhờ nuôi gia công cho doanh nghiệp lớn. Dù giá thịt có rớt thì trang trại vẫn đảm bảo có lợi nhuận vì đã được ký hợp đồng gia công mua với mức giá cố định. Nhờ nuôi gia công trang trại nhỏ ít vốn, ít kinh nghiệm sản xuất vẫn có thể phát triển nhờ được hỗ trợ con giống, kỹ thuật và thức ăn. Sau khi đã có vốn, nắm tốt kỹ thuật, các hộ, các trang trại nhỏ đã bắt đầu tự nuôi, đảm bảo phát triển bền vững.
 
Nguồn: Báo Công Thương
 


Báo cáo phân tích thị trường