Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thực phẩm Tết tăng Giá từng ngày
11 | 02 | 2015
Hơn một tuần nữa đến Tết Ất Mùi 2015, các mặt hàng thực phẩm lập mặt bằng giá mới. Đặc biệt, giá gia cầm tăng chóng mặt.

 Loạn giá gia cầm

Do nhu cầu về gia cầm tăng đột biến vào những ngày cuối năm khiến giá gia cầm tăng từng ngày. Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, giá gà đã tăng 20% - 30% tùy từng loại.

Theo khảo sát của Tiền Phong tại chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội), gà công nghiệp tăng cao nhất từ 65.000 đồng/kg lên 90.000 đồng/kg; gà mía (gà lông đỏ) từ 90.000 - 95.000 đồng/kg lên 120.000 đồng/kg; gà ta từ 130.000-140.000 đồng/kg lên 160.000 đồng/kg.

Chị  Hương Nguyệt, tiểu thương ở chợ Ngọc Hà (Ba Đình, Hà Nội) cho biết, do giá thịt gà tăng từng ngày nên nhiều khách quen đặt mua từ bây giờ vì sợ không có gà cho Tết Nguyên đán, đặc biệt là gà ta, gà chọi, gà dùng để cúng lễ... “Giá gà càng tăng thì bán càng chậm. Hiện, người dân quay sang mua gà đông lạnh trong siêu thị về ăn thay vì mua gà sống”, chị Nguyệt nói.

Còn tại chợ Hôm (Hai Bà Trưng, Hà Nội), giá gà ta là: 180.000 đồng/kg, vịt 82.000 đồng/kg. Bà Trần Hợp, tiểu thương bán gà cho biết: “Mấy ngày hôm nay tôi phải chạy đôn đáo khắp các vùng quê để đặt gà của bà con nông dân. Mua gà giờ khó lắm. Mua tại chuồng giá cũng bị đội lên. Buôn nhiều nhưng lãi chẳng bao nhiêu”.

Trong khi đó, tại chợ đầu mối Dịch Vọng (Cầu Giấy, Hà Nội), giá bán buôn thịt gà thả vườn chỉ 64.000 đồng/kg; gà công nghiệp 47.000 đồng/kg, vịt 62.000 đồng/kg…

Trước thực tế như trên, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, cơ quan này đang dùng nhiều biện pháp khác nhau để quản lý và tăng nguồn cung cho thị trường, đảm bảo cung ứng đủ gà thịt cho dịp lễ tết năm nay. Về giá thịt, trong đó có thịt gà tăng đột biến, lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho rằng đó là điều bình thường, bởi theo thông lệ, vào dịp này của năm, giá thịt gia cầm lại tăng cao, thậm chí còn tăng tiếp đến cận Tết và qua Tết.

Ông Nguyễn Đăng Vang - Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, mức giá tăng của thịt gia cầm gần đây chưa thấm vào đâu trong khi giá nhiều sản phẩm, dịch vụ ăn theo chăn nuôi đã đồng loạt tăng từ trước. Mức giá tăng lần này cũng chỉ đủ bằng hoặc lãi chút ít cho người chăn nuôi.

Thịt, giò, đồ khô tăng giá theo ngày

Theo khảo sát của Tiền Phong tại các chợ truyền thống ở Hà Nội như Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Chợ Hôm, Yên Phụ…, thịt lợn, thịt bò tăng từ 10 - 30% so với tuần trước. Cụ thể, thịt ba chỉ lợn tăng từ 90.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; nạc vai, nạc mông tăng từ 80.000 đồng/kg lên 100.000 đồng/kg; xương sườn lợn tăng từ 100.000 đồng lên 115.000 đồng/kg…

Chị Nguyễn Thị Lan (tiểu thương chợ Cầu Giấy) cho biết: “Qua rằm tháng Chạp, giá thịt bắt đầu tăng lên. Từ ngoài 23 Tết, giá có thể tăng hằng ngày, tùy thuộc vào lượng khách mua đông hay ít. Người dân không còn tâm lý tích trữ hàng cho Tết và giá các mặt hàng đều tăng nên lượng mua năm nay giảm nhiều so với năm trước và chỉ tương đương ngày thường”.

Theo chị Lê Thị Hoa (chợ Yên Phụ, Tây Hồ)-người bán giò chả: “Giá giò tăng vì thịt nguyên liệu làm giò tăng lên mỗi ngày. Cận Tết, giá có thể lên đến 160.000 đồng/kg. Khách càng đặt mua giò cho Tết sớm, giá sẽ rẻ hơn, đặt mua muộn do nguyên liệu ngày giáp Tết tăng sẽ phải mua giá cao”.

Nắm bắt tâm lý chuẩn bị trước các mặt hàng khô của người dân, tiểu thương bắt đầu tăng giá mộc nhĩ, nấm hương, măng. Giá măng khô loại 1, tăng từ 275.000 đồng lên 280.000 đồng/kg; mộc nhĩ tăng từ 170.000 đồng/kg lên 180.000 đồng/kg; nấm hương từ 400.000 đồng/kg lên 410.000 đồng/kg. Đậu xanh bóc vỏ tăng từ 50.000 đồng/kg lên 52.000 đồng/kg.

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, cho biết, nguyên nhân khiến thực phẩm tăng giá là do người tiêu dùng đang có tâm lý tích trữ hàng hóa, lo sợ nguồn hàng sẽ không đủ cung ứng cho thị trường. Nhiều người đổ xô đi mua hàng về để dành cho những ngày Tết sắp đến, chính điều này đã khiến cho hàng hóa trên thị trường được tiêu thụ quá nhanh trong một thời gian ngắn. Từ đó, giá cả các loại sản phẩm dần được đẩy lên theo.

Theo nhiều tiểu thương tại chợ Cầu Giấy, Hà Nội, giá rau xanh tăng từ 20 – 30% so với tuần trước. Giá rau xanh tăng cao do thời tiết trở lạnh, các loại rau khó phát triển. Ngoài ra, do hết vụ, người dân phá bỏ rau cấy lúa vụ đông xuân 2015.



Theo Tiền Phong Online
Báo cáo phân tích thị trường