Theo CEO Mai Kiều Liên, Vinamilk kỳ vọng thỏa thuận sẽ đạt được vào đầu năm 2017 và chưa đưa ra thông tin về mục tiêu công ty đang mua lại. Vinamilk vốn đã thâu tóm Drifwood Dairy tại California, có thể tăng tốc nước cờ M&A nhằm đạt được doanh thu hàng năm 3 tỷ USD đến cuối năm 2017.
Theo bà Mai Kiều Liên, Mỹ là thị trường khó khăn nhất và nếu Vinamilk được chấp nhận trên thị trường Mỹ, đây sẽ là một lợi thế rất lớp, giúp Vinamilk thâm nhập vào các thị trường khác và thúc đẩy tăng trưởng.
Vinamilk đang tích cực thâu tóm các công ty nước ngoài do thị trường sữa Việt Nam vẫn còn kém phát triển so với các nước láng giềng. Tiêu dùng sữa đầu người tại Việt Nam năm 2015 là 19 l/người/năm, so với 51 l/người/năm tại Malaysia và 34 l/người/năm tại Thái Lan, theo công ty chứng khoán Sài Gòn cho biết. Thị trường cũng không mở rộng nhanh chóng như Vinamilk từng dự đoán khi đặt mục tiêu doanh thu vài năm trước đây, bà Liên cho biết.
Thúc đẩy M&A
Công ty cũng đang tìm kiếm các cơ hội ngoài Mỹ để đạt mục tiêu doanh thu. Năm 2015, Vinamilk đã để ra 4.000 tỷ VNĐ, tương đương 179,3 triệu USD, cho hoạt động M&A nhưng đã không dùng tới số tiền này. Bà Liên nhấn mạnh Vinamilk có thể tăng thêm nguồn lực tài chính nếu cần trong tương lai. Bà cho biết: “Mục tiêu doanh thu hàng năm 3 tỷ USD sẽ rất khó đạt được nếu chúng tôi không tăng cường hoạt động M&A”.
Bà Liên dự đoán tăng trưởng hàng năm trung bình của ngành sữa Việt Nam sẽ duy trì ở mức khoảng 7 – 9% trong 5 năm tới. Trong khi đó, Vinamilk đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 10%/năm.
Mở rộng hoạt động
Ngoài Việt Nam và Mỹ, Vinamilk cũng đang có các cơ sở hoạt động tại New Zealand và Campuchia. Công ty sẽ xây một nhà máy sữa bột mới tại Việt Nam vào năm 2017 và có kế hoạch mở rộng sản xuất tại New Zealand. Bà Liên cho biết cơ sở sản xuất tại New Zealand đang hoạt động toàn công suất, được thành lập vào năm 1976 từ việc gom 3 nhà máy sữa thuộc sở hữu nhà nước, hiện các sản phẩm được xuất khẩu tới 43 thị trường, bao gồm Nhật Bản, Canada, Mỹ và Úc.
Trong 5 năm tới, Vinamilk hướng tới tăng thị phần trên thị trường sữa bột tại Việt Nam từ 40% lên 50%, và trong phân khúc thị trường sữa tươi từ 53% lên khoảng 60%. Bà Liên kỳ vọng Vinamilk tiếp tục giữ vững thị phần thị trường sữa đặc ở mức khoảng 80%.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trong một nền kinh tế dự kiến tăng trưởng hơn 6%/năm trong năm 2016, công ty cũng đang nghiên cứu các sản phẩm trong các phân khúc thị trường khác, có thể phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người tiêu dùng Việt Nam.
Cổ phiếu của Vinamilk, công ty lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam, đã tăng vọt 37% từ đầu năm đến nay, so với mức 14% của chỉ số chung. Cổ phiếu Vinamilk đã được thêm vào chỉ số thị trường MSCI Inc. Frontier Markets hồi tháng trước và dự kiến sẽ được bổ sung vào hai quỹ của Việt Nam trong tháng này.
Trong tháng 7, Vinamilk đã nhận được phê chuẩn từ Ủy ban chứng khoán nhà nước để dỡ bỏ trần sở hữu 49% của các nhà đầu tư nước ngoài đối với cổ phiếu. SCIC – một tổ chức đầu tư nhà nước, hiện vẫn chiếm 45,1% cổ phiếu của Vinamilk và vẫn chưa đưa ra thời gian cụ thể về giải chấp số cổ phiếu này.
Năm 2015, Vinamik có doanh thu 40.223 tỷ VNĐ, dự kiến đạt và vượt mức mục tiêu lợi nhuận trong năm 2016, bà Liên cho biết. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 33% trong nửa đầu năm 2016.
Theo Bloomberg