Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thị trường truyền thống yếu đi, châu Phi nổi lên là thị trường tiềm năng cho cá rô phi
23 | 09 | 2016
Những thị trường truyền thống của cá rô phi là Mỹ và EU tiếp tục yếu đi trong năm 2016. Tuy nhiên, thương mại cá rô phi toàn cầu tiếp tục diễn biến tích cực. Dựa trên báo cáo của các thị trường chính và các nước sản xuất lớn, xuất khẩu cá rô phi toàn cầu ước tính tăng 18% trong quý 1/216 so với quý 1/2015, trong khi nhập khẩu ước tính tăng 15% trong cùng kỳ so sánh.

Ngoài ra, châu Á và Mỹ Latin tiếp tục sản xuất và tiêu dùng ngày càng nhiều cá rô phi, các thị trường châu Phi nổi lên trở thành nhóm thị trường đầy triển vọng và chiếm thị phần lớn hơn trong thương mại toàn cầu. Cá rô phi nuôi cũng đóng vai trò quan trọng trong an ninh lương thực một số nước tại Thái Bình Dương như Fiji và Papua New Guinea.

Trung Quốc

Tổng xuất khẩu cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc giảm 3% về lượng trong quý 1/2016, chủ yếu do xuất khẩu cá rô phi phile đông lạnh giảm đến 13%. Tuy nhiên, lượng xuất khẩu cá rô phi phile tẩm bột và cá rô phi đông lạnh nguyên con lại tăng lần lượt 9,8% và 2,4%. Về giá, giá xuất khẩu cá rô phi đông lạnh trung bình trong năm 2016 giảm ở tất cả các phân khúc sản phẩm. Giá xuất khẩu cá rô phi phile đông lạnh giảm 14,4% xuống còn 3,6 USD/kg, cá nguyên con đông lạnh giảm 6,5% xuống còn 2,04 USD/kg, và phile tẩm bột chiên giảm 11,8% xuống còn 3,86 USD/kg.

Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu chính của cá rô phi đông lạnh Trung Quốc. Tuy nhiên, trong một diễn biến mới, Bờ Biển Ngà đã thế chân Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của cá rô phi nguyên con đông lạnh Trung Quốc. Trong quý 1/2016, nước này nhập khẩu đến 6.425 tấn cá rô phi nguyên con đông lạnh từ Trung Quốc, tăng 307% so với cùng kỳ năm 2015. Các thị trường châu Phi khác cũng tăng nhập khẩu cá nguyên con đông lạnh Trung Quốc là Ghana, Kenya và Tanzania. Mặc dù giá xuất khẩu trung bình sang các thị trường châu Phi giảm trong giai đoạn trên, những thị trường này vẫn trả mức giá cao hơn (2,2 – 2,6 USD/kg) so với thị trường Mỹ (1,79 USD/kg) do nhu cầu cao, thuế nhập khẩu tăng và nhiều rào cản thương mại hơn. Điều quan trọng là cá rô phi nhập khẩu đang thách thức sự phát triển của nuôi cá rô phi nội địa tại châu Phi.

Đối với phile đông lạnh, chiếm 40% thương mại cá rô phi của Trung Quốc, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều giảm, kể cả Mỹ. Đáng chú ý là tăng trưởng xuất khẩu dương sang Iran, cho thấy tiềm năng phát triển thị trường cá rô phi phile tại đây. Xuất khẩu phile đông lạnh sang Iran đạt 3.600 tấn trong quý 1/2016, tăng 59% so với cùng kỳ năm 2015. Thị trường này đang chuyển sang cá rô phi – là nguồn cá phile đông lạnh rẻ hơn so với cá hoki New Zealand được ưa chuộng tại thị trường này. Ngược lại, xuất khẩu cá rô phi phile tẩm bột đông lạnh tăng trưởn dương (9,8%) sang các thị trường chính là  Mexico, Bờ Biển Ngà, Congo và Kenya.

Mỹ

Tổng nhập khẩu cá rô phi vào thị trường Mỹ trong quý 1/2016 giảm 14% về lượng và 24% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. 61.400 tấn cá rô phi đã được Mỹ nhập khẩu, tương đương 247,976 triệu USD. Trong 3 tháng đầu năm 2016, Trung Quốc tiếp tục là nhà cung cấp cá rô phi chính cho Mỹ, với 46.700 tấn, trị giá 166,838 triệu USD, giảm 17% về lượng và 29% về giá trị. Phần lớn sản phẩm nhập khẩu là đông lạnh. Các nhà cung ứng quan trọng khác, như Honduras, Indonesia, Costa Rica và Mexico cũng ghi nhận giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ, trong khi xuất khẩu cá rô phi Colombia trong 3 tháng đầu năm 2016 sang thị trường Mỹ tăng 11,6% về lượng và 10% về giá trị.

Sự quan tâm của Colombia tới thị trường Mỹ nảy sinh trong Hội chợ Thủy sản Bắc Mỹ 2016 tại Boston với 1 công ty Colombia tham gia. Động lực tăng trưởng xuất khẩu cá rô phi Colombia sang thị trường Mỹ chủ yếu dựa vào FTA mà hai nước ký 3 năm trước. Colombia cũng đang hướng tới các thị trường tiềm năng khác như Chile, Tây Ban Nha, Pháp, Anh, Hà Lan, Bỉ, Đức và Ba Lan. Hiện nay, Honduras duy trì vị thế là nhà xuất khẩu cá rô phi tươi hàng đầu khu vực Mỹ Latin cho thị trường Mỹ, bất chấp suy giảm sản xuất do El Nino gây hạn hán.

EU

Nhu cầu tại EU tiếp tục yếu trong suốt quý 1/2016 với lượng nhập khẩu giảm 15,9% so với cùng kỳ năm 2015, xuống còn 6.600 tấn. Trong đó, cá rô phi phile đông lạnh và nguyên con đông lạnh chiếm tỷ trọng tương đương, giảm lần lượt 7,3% và 26,4% trong cùng kỳ so sánh. Trong nội khối, Tây Ban Nha nhập khẩu lượng cá rô phi lớn nhất, chủ yếu là phile như các thị trường EU khác, và lượng nhập khẩu của nước này trong quý 1/2016 cũng giảm.

Châu Á tiếp tục là nguồn cung cấp chính cho EU, với 5 nhà cung cấp hàng đầu là Trung Quốc, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Đài Loan, chiếm gần 99% tổng nhập khẩu. Cá rô phi phile đông lạnh từ Đài Loan có giá cao hơn hẳn nhờ chất lượng. Trong phân khúc cá nguyen con đông lạnh, nhập khẩu từ Bangladesh tăng, và loại cá này chủ yếu được tiêu thụ bởi cộng đồng thiểu số Bangladesh tại EU.

Đài Loan

Trong quý 1/2016, xuất khẩu cá rô phi đông lạnh của Đài Loan tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái lên 6.000 tấn. Cá rô phi đông lạnh nguyên con chiếm 90% tổng lượng xuất khẩu cá rô phi đông lạnh và phân khúc sản phẩm này tăng 20% sang các thị trường chính, bao gồm Mỹ và Trung Đông. Hai thị trường này tổng cộng chiếm 88% thị phần xuất khẩu cá rô phi đông lạnh từ Đài Loan. Ngược lại, cá rô phi phile đông lạnh giảm nhẹ 0,48%. Các thị trường chính của phân khúc sản phẩm này là Mỹ, Hàn Quốc, Canada và Nhật Bản.

Triển vọng

Bất chấp nhu cầu các thị trường chính yếu đi, các vấn đề sản xuất tại Trung Quốc và nhu cầu mạnh tại châu Á, châu Phi và Mỹ Latin khiến triển vọng thị trường cá rô phi trở nên tích cực hơn.

Theo Globefish



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường