Thời tiết bất lợi có thể ảnh hưởng mạnh tới sản xuất cà phê của Brazil và đẩy giá bán lẻ cà phê tăng.
Trên khắp vành đai trồng cà phê của Brazil, thời tiết khô nóng đang gây thiệt hại cho sản xuất cà phê Arabica lẫn Robusta. Đồng thời, mưa quá nhiều tại các khu vực trồng quả có múi cũng đang gây thiệt hại cho ngành sản xuất nước cam tại nước này, và sương giá tại các vùng sản xuất đường cũng làm giảm sản lượng. Brazil là nhà sản xuất – xuất khẩu lớn nhất về cà phê, nước cam và đường trên thế giới.
Giá đường và nước cam cô đặc đông lạnh trên thị trường tương lai New York đang được giao dịch ở mức cao nhất trong 4 năm. Giá cà phê Arabica, loại cà phê mà Starbucks ưa chuộng, tuần trước cũng đã đặt mức giá cao nhất kể từ tháng 2/2015. Các vấn đề thời tiên trên tại Brazil diễn ra sau khi El Nino gây hạn hán trên khắp châu Á hồi đầu năm nay, làm giảm nguồn cung đường và cà phê toàn cầu. Tại Florida, nhà cung cấp nước cam thứ 2 thế giới, dịch bệnh bùng phát cũng gây thiệt hại nặng cho các vườn cam.
Các nhà quản lý tài chính đang đặt cược vào khuynh hướng giá lên. Trạng thái đặt cược giá lên trên thị trường đường đã tăng 6,4% lên 284.448 hợp đồng tương lai và quyền chọn trong tuần kết thúc vào 20/9. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng 6 tuần. Các nhà đầu tư đang tăng hợp đồng mua cà phê Arabica giá lên lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2014.
Giá đường thô tương lai cũng đã tăng mạnh trong 3 tuần qua, đợt tăng giá dài nhất kể từ tháng 6. Giá đường thô chạm mức 23,88 cents/pound trong phiên giao dịch ngày 22/9, mức cao nhất kể từ tháng 7/2012. Giá đường đã tăng 49% kể từ đầu năm đến nay, mức tăng mạnh nhất trong 22 hàng hóa được dùng để tính Chỉ số hàng hóa Bloomberg.
Một số khu vực sản xuất đường tại Trung Nam Brazil đã thu hoạch và nghiền mía vào đầu tháng 9 sau những đợt sương giá hồi đầu năm. Tại Ấn Độ, nước sản xuất đường lớn thứ 2 thế giới, sản lượng đường niên vụ 2016/17 được dự đoán giảm 8,4%. Thị trường toàn cầu có nguồn cung giảm năm thứ 2 liên tiếp và thổi bay hầu hết các kho dự trữ thặng dư trong 4 năm trước đó, theo Czarnikow cho biết.
Đối với cà phê, các vấn đề sản xuất của Brazil cộng hưởng với các vấn đề tại châu Á. Hạn hán cũng gây thiệt hại cho sản xuất cà phê tại Việt Nam, nhà sản xuất cà phê Robusta lớn nhất thế giới. Những người tiêu dùng đã hy vọng vụ thu hoạch tại Nam Mỹ có thể giúp làm giảm tình trạng khan hiếm nguồn cung, nhưng thay vào đó, thời tiết khô nóng lại làm giảm sản lượng. Do nguồn cung Robusta khan hiếm hơn nên ngày càng nhiều các nhà rang xay tăng sử dụng cà phê Arabica và đẩy giá loại cà phê này tăng lên. Giá cà phê Arabica trên thị trường New Tork đã tăng tháng thứ 5 liên tiếp, đợt tăng giá dài nhất kể từ năm 2010. Giá cà phê Arabica đã tăng 19% từ đầu năm tới nay.
Theo Bloomberg