“Chúng tôi muốn sản xuất đáp ứng đủ nhu cầu nội địa trong vòng 2 năm tới”, ông Kumar phát biể. Năm 2015/16, Ấn Độ thâm hụt 432.415 tấn cao su, khiến nhập khẩu tăng vọt lên 458.374 tấn, từ mức 177.130 tấn hồi năm 2009/10.
Năm 2016/17, Hội đồng cao su Ấn Độ đặt mục tiêu sản xuất cao su tự nhiên tăng 16% lên 654.000 tấn. Trong năm 2015/16, sản lượng cao su của Ấn Độ giảm 12,5%.
“Chúng tôi muốn đảo ngược xu hướng giảm sản xuất, đã diễn ra trong 2 năm vừa qua”, ông Kumar tuyên bố. Chiến lược của ngành cao su Ấn Độ là khôi phục lại các diện tích không cạo mủ trở lại sản xuất, tăng năng suất thông qua cải thiện kỹ năng lao động và ứng dụng quy trình sản xuất tốt hơn. Ngoài ra, Ấn Độ cũng cam kết tăng 100.000ha trồng mới cao su hàng năm.
Một số sáng kiến đã bắt đầu phát huy tác dụng, ông Kumar cho biết. Kể từ tháng 5, sản xuất cao su đã tăng 2%. Tỷ lệ diện tích không cạo mủ tăng từ 8% trong niên vụ 2013/14 lên 30% trong niên vụ 2015/16 và Hội đồng cao su đang khôi phục lại các vùng sản xuất này bằng cách tập hợp các nhóm nông dân theo chương trình “Tappers Bank”, vận hành như một mô hình tự giúp chính mình (self-help). Mỗi nhóm có 10 người cạo mủ, và sẽ chăm lo cho hoạt động sản xuất của những nông dân nhỏ lẻ. Một lợi thế khác của sáng kiến này là giúp giảm chi phí cho nông dân.
Theo ông Kumar, số ngày cạo mủ sẽ giảm xuống 1 thay vì 7 ngày và giúp nông dân chỉ phải trả lương cho 1 ngày thay vì 7 ngày. Hội đồng Cao su đã triển khai hoạt động thử nghiệm và 60 cộng động sản xuất cao su đã được xác định. Trong tháng 7 – 8, diện tích không cạo mủ giảm 5% xuống còn 25% tổng diện tích trồng cao su.
Giá cao su tự nhiên nội địa RSS4 đã giảm từ 208,05 Rupee/kg năm 2011/12 xuống còn 138,5 Rupee/kg hiện nay. Chính quyền bang Kerala, bang sản xuất cao su chính trên cả nước, đã triển khai chương trình trợ cấp đảm bảo giá tối thiể 150 Rupee/kg cho nông dân trồng cao su.
Ông Kumar cũng tin rằng bằng cách cải thiện kỹ năng của người lao động, sản lượng có thể tăng 25%. Năng suất cao su Ấn Độ đã giảm từ 1,629 tấn/ha năm 2013/14 xuống còn 1,437 tấn/ha năm 2015/16. Các chuyên gia thuộc Hội đồng Cao su đang đặt ra mục tiêu đạt năng suất 1,5 tấn/ha trong năm tài khóa 2017. Khoảng 30.000 công nhân cao su sẽ được đào tạo tại Kerala và Tripura, là các bang đã đồng ý tài trợ cho dự án này.
“Nếu năng suất có thể tăng lên 1,6 tấn/ha, chúng ta có thể sản xuất khoảng 900.000 tấn và nhập khẩu phi thuế sẽ khoảng 100.000 tấn, đáp ứng đủ nhu cầu nội địa”, theo ông Kumar tính toán. Hội đồng cao su đã xác định khoảng 50.000ha tại Assam và khoảng 75.000ha tại Tripura để bắt đầu trồng mới.
Theo Business Standard