Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân Ấn Độ quyết trồng loại cây “ăn” nước nhất
21 | 10 | 2016
Bất chấp những khuyến nghị từ phía chính phủ, nông dân Ấn Độ, như Santosh Wagh, đã quay trở lại trồng mía đường ngay khi những cơn mưa đầu tiên mang nước đến cho khu vực chịu hạn nặng tại miền Trung Ấn Độ.

Đối với những nông dân như Wagh, người đàn ông 35 tuổi đến từ vùng Marathwada tại miền Tây bang Maharashtra của Ấn Độ, mía đường là loại cây trồng sinh lợi cao nhất nhờ những chính sách của chính phủ đảm bảo lợi nhuận ngày càng cao. Những nông dân này thập chí còn trồng mía ngay cả khi mía đòi hỏi lượng nước tương đối cao so với các cây trồng khác, đặt ra rủi ro đưa khu vực này trở lại tình trạng hạn hán.

“Đây là loại nông sản duy nhất đáng tin cậy. Hồi đầu năm nay, tôi trồng hành và bị lỗ 50.000 Rupee do giá giảm”, ông Wagh cho biết.

4 tháng trước, Maharashtra, khu vực sản xuất đường lớn nhất tại Ấn Độ, đã chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 4 thập kỷ, làm mùa màng thất bát, vật nuôi bị chết, các hồ chứa cạn kiệt và giảm sản lượng điện.

Các nhà hoạt động môi trường và chính phủ đã quy nguyên nhân cho tình trạng mở rộng sản xuất mía đường quá nhanh, gây ra tình trạng khan hiếm nước. Cây mía tiêu thụ 22,5 triệu lít nước/ha trong 14 tháng trên đồng, so với chỉ 4 triệu lít nước trong cả 4 tháng trồng các loại đậu.

Không có sự can thiệp của chính phủ để thiết lập lại cân bằng lợi nhuận với các cây trồng khác, các chuyên gia cảnh báo sản xuất mía đường sẽ ngày càng làm cạn kiệt nguồn nước và khiến khu vực này rơi vào tình trạng hạn hán lâu dài. Tình hình này sẽ tạo ra rủi ro bất ổn xã hội khi chênh lệch thu nhập giữa nông dân trồng mía và nông dân sản xuất các nông sản khác ngày càng lớn.

“Chính phủ Ấn Độ đang yêu cầu nông dân chuyển sang những cây trồng ít tốn nước hơn nhưng lại không có nhiều hỗ trợ cho các cây trồng khác nên đã thất bại trong giải quyết vấn đề của nông dân trồng cây cho hạt có dầu và các cây họ đậu”, theo ông Pradeep Purandare, nguyên giáo sư tại Viện quản lý đất và nước Maharashtra cho biết.

Giá rau, hạt có dầu và các loại đậu biến động khó lường làm hạn chế động lực sản xuất của nông dân. Ngược lại, chính phủ yêu cầu các nhà máy nghiền mía thu mua mía theo “giá công bằng và có lợi” (FRP) cho nông dân. Chính phủ cũng thu mua lúa mỳ và gạo theo chương trình giá hỗ trợ tối thiểu (MSP).

Khả năng chống chịu những điều kiện sản xuất bất lợi của cây mía cũng là yếu tố thu hút nông dân sản xuất loại cây trồng này, đặc biệt trong điều kiện khó tiếp cận bảo hiểm nông nghiệp trong trường hợp mùa màng thất bát. Cây mía trưởng thành chống chịu tốt với mưa lớn hay các đợt khô hạn, ít tổn thương hơn đối với vật hại và dịch bệnh so với các cây trồng khác.

“Lợi nhuận từ các nông sản khác khó dự đoán. Năm 2015, tôi đã để 5 tấn hành thối đi. Giá thấp quá nên tôi càng bị lỗ nặng nếu vận chuyển hành ra thị trường”, ông Suresh Kothawale, một nông dân khác tại Aurangabad cho biết.

Chính phủ Ấn Độ hy vọng trợ cấp tăng cho các loại đậu và hạt có dầu sẽ thay đổi thực trạng sản xuất.

Theo Reuters



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường